Cùng với làn sóng dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm dừng chân. Kể từ 2018, tên tuổi Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, nên cũng dễ hiểu khi một phần làn sóng dệt may đang dịch chuyển về các khu công nghiệp chủ lực trong nước.

Mới đây, hai nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD đã chính thức ký kết hợp đồng thuê đất và nhận bàn giao đất xây dựng nhà máy từ tập đoàn Địa ốc Cát Tường, chủ đầu tư KCN Dệt may Rạng Đông - Aurora IP, hứa hẹn sẽ tạo ra một cú hích mới cho toàn ngành dệt may Việt Nam.

Cú hích mới của dệt may Việt Nam - ảnh 1

NHỮNG NHÀ MÁY TẠO RA SỰ THAY ĐỔI. 

Được khởi công xây dựng hạ tầng từ ngày 18.4.2017, khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông – Aurora IP tọa lạc tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, thuộc khu kinh tế Ninh Cơ với tổng diện tích gần 14.000ha, gồm sân bay, cảng biển, nhà máy điện… được định hướng xây dựng trở thành khu công nghiệp mang tầm vóc quốc tế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích gần 520ha đã hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng để chào đón các nhà đầu tư trong các lĩnh vực: may mặc, dệt - nhuộm, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ khác.

Dự án nhà máy dệt Top Textiles được công ty TNHH Top Textile Việt Nam, liên minh giữa nhà đầu tư hàng đầu Hồng Kông và tập đoàn kinh tế đa ngành lớn nhất Nhật Bản, triển khai xây dựng trên diện tích 31,2ha với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD. Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm. Đây là dự án mang tầm chiến lược được nhận định sẽ góp phần vào công cuộc tái cấu trúc chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.

Dự án nhà máy dệt may Jehong Textile Việt Nam có diện tích hơn 3ha, tập trung vào lĩnh vực nhuộm vải hoàn tất công nghệ tiên tiến hạn chế tối đa nước thải. Dự án cũng đánh dấu thành công trong việc thu hút nhà đầu tư với công nghệ nhuộm tối tân hàng đầu thế giới và khẳng định cam kết theo mục tiêu xanh hóa ngành sản xuất tại Việt Nam.

Việc triển khai các hoạt động xây lắp và vận hành các nhà máy ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra cho thấy tiềm lực phát triển bền vững của ngành dệt may.

Đặc biệt, việc hoàn thiện hạ tầng và bàn giao đất phục vụ triển khai dự án này một lần nữa minh chứng cho tầm nhìn vĩ mô, nội lực vững mạnh và năng lực triển khai dự án có quy mô hợp tác chiến lược quốc tế của Cát Tường Group - một tập đoàn địa ốc của Việt Nam.

Cú hích mới của dệt may Việt Nam - ảnh 2

 

Năm 2018 nhu cầu vải cho ngành may là 9,7 tỉ mét, trong đó sản lượng vải trong nước mới đạt 3,2 tỉ mét. Với các lợi thế sẵn có như kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu phục vụ các đối tác truyền thống, nguồn lao động dồi dào - chi phí hợp lý, vị trí địa lý thuận lợi, dệt may Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để tiếp tục tăng trưởng.

Sự dịch chuyển trong sản xuất, hoạt động đầu tư hiện nay từ các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc cũng là một thuận lợi của ngành. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản nhận định Việt Nam là đối tác chiến lược.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, dệt may được đánh giá là ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển ở Việt Nam trong nhiều năm nữa.

Toàn ngành đã có gần 20 năm với đà tăng trưởng ấn tượng, trung bình 15%/năm ngay từ khi nền kinh tế mở cửa. Theo quyết định 68/QĐ-TTg, yêu cầu đặt ra cho ngành dệt may là phải đáp ứng được 45% nhu cầu vải, và đến 2025, phải đủ đáp ứng 65% nhu cầu.

Với đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp và tạo ra việc làm cho gần 3 triệu lao động, dệt may được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, góp phần vào sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp khác. Từ vị trí và tầm quan trọng đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành là phải xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển ổn định, bền vững.

Ngành dệt may được giao nhiệm vụ: tăng năng suất, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; sản xuất vải đáp ứng được nhu cầu của ngành may; kết nối vững chắc ngành sản xuất sợi với ngành sản xuất vải trong nước; giảm dần phương thức gia công (CMT) và thay vào đó bằng phương thức OEM hoặc ODM tại các phân khúc sản xuất vải và may.

Dù mới đi vào hoạt động, vẫn còn nhiều thử thách phía trước, nhưng với việc được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ và chuẩn hóa khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông – Aurora IP hướng đến mục tiêu sản xuất ra thị trường 1 tỷ mét vải 1 năm.

Cú hích mới của dệt may Việt Nam - ảnh 3

Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông – Aurora IP tọa lạc tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Không chỉ có kết nối tốt tới các cảng nước sâu, cảng hàng không và các trung tâm công nghiệp - thương mại lớn của toàn miền Bắc, Aurora IP còn được đầu tư các tiện ích nội khu theo tiêu chuẩn quốc tế như hệ thống điện công nghiệp, hệ thống liên lạc cáp quang và quốc tế, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải. Ngoài ra, các tiện ích xung quanh còn gồm có các tuyến xe buýt, khu nhà ở công nhân và chuyên gia, nhà trẻ, trường học, bệnh viện...v.v.

Thu Ngân