Tập trung tập huấn, đào tạo các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững

Năm nay, tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) với nguồn vốn được bố trí khoảng 71 tỷ đồng.

Việc tiếp tục thực hiện dự án nhằm góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung đào tạo công nghệ canh tác lúa bền vững nhằm thay đổi hành vi và tập quán sản xuất của nông dân, từ đó đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo của địa phương. 

{keywords}
Năm 2021, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) với nguồn vốn được bố trí khoảng 71 tỷ đồng.

Theo đó, dự án tiếp tục tập trung vào tập huấn, đào tạo các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững như: 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng cho nông dân trong vùng dự án. Đồng thời, dự án hỗ trợ xây dựng 12 dự án hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như nâng cấp, gia cố các tuyến đê bao, xây dựng trạm bơm điện…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm, đề nghị Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Long An cùng với các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo tập huấn công nghệ sản xuất bền vững, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nhằm duy trì mức độ áp dụng quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tránh chuyện khi hết dự án thì sản xuất dần trở lại như cũ.

Ban quản lý dự án cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa của dự án trên địa bàn tỉnh; tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã; đẩy mạnh hoạt động liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng thương hiệu….

Ban quản lý tập trung triển khai thực hiện 12 dự án đầu tư hạ tầng trong năm 2021 và phát huy hết hiệu quả, năng lực của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã thời gian qua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn từ năm 2016 nhằm hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững với hơn 25.000 hộ nông dân tham gia; tổng diện tích vùng dự án gần 50.000 ha thuộc 23 xã của 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Đến hết năm 2020, dự án đã hỗ trợ tập huấn quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm cho gần 23.000 hộ nông dân; hỗ trợ thành lập mới 17 hợp tác xã và nâng cao năng lực hoạt động cho 10 hợp tác xã khác trong vùng dự án; hỗ trợ xây dựng 11 dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các chuỗi liên kết lúa gạo bền vững…

Qua đó, phần lớn các chỉ tiêu của dự án đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao như: số người hưởng lợi là 87.644 người, đạt 133% so với mục tiêu 66.000 người.

Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo 3 giảm 3 tăng là 20.128 ha, đạt 101% so với mục tiêu 20.000 ha; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo 1 phải 5 giảm hơn 18.000 ha, đạt 204% so với mục tiêu 9.000 ha; giảm lượng phát thải khí nhà kính là 188.171 tấn CO2 đạt 141% so với chỉ tiêu giao 133.333 tấn; lợi nhuận của nông dân trong vùng dự án tăng gần 30% so với bên ngoài dự án….

Bên cạnh đó, chương trình đạo tạo, tập huấn quy trình canh tác bền vững theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm được tập trung đẩy mạnh với quy mô lớn, nhằm thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân trong toàn vùng dự án, tạo sức lan tỏa rộng khắp vùng dự án nói riêng và tỉnh Long An nói chung, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa của tỉnh. Các hợp tác xã được thành lập và hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động đã góp phần vào phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương.

Theo thống kê, đến cuối năm ngoái, Long An đã hình thành được trên 22.000ha lúa, trên 2.000ha rau và 3.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trên 7.100 con bò được gieo tinh giống bò ngoại chất lượng. Nông dân đã tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận. Long An trở thành là một trong các địa phương vào tốp đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2021 - 2025, Long An đã chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá nhằm đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành, nâng chất lượng và lượng hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh, sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, việc triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có việc phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dù đã tạo điều kiện cho nông dân thực hiện mô hình trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh và nhà màng. Nhưng trên thực tế các mô hình rau sạch duy trì không được bao lâu thì đều ngưng hoạt động. Nguyên nhân là do một số người dân chưa phân biệt được rau sạch và rau chưa sạch mà chỉ đánh đồng về giá cả.

Ngoài ra, hiện nay nông dân vẫn còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, cùng với kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi còn hạn chế. Điều này làm cho chất lượng sản phẩm vẫn còn tồn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, tác động đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. 

Để phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần một chiến lược chuyển đổi với hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp. Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất sạch, an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường; hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, mô hình mở rộng ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Hồng Hạnh