Ngày 8/1, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó quy định các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, kể cả với trường chất lượng cao và áp dụng từ 14/2 tới đây. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh dự định cho con thi vào các trường chất lượng cao “sốc” vì thay đổi quá đột ngột.
Chị Lê Thị Thương, phụ huynh quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có con đang học lớp 5, cho hay để chuẩn bị cho mục tiêu thi vào một số trường tư và chất lượng cao ở Hà Nội, chị Thương đã “lên dây cót” cho con từ đầu năm lớp 4. Ngoài môn tiếng Anh theo học 2 buổi/tuần, Toán 1 buổi/tuần, tiếng Việt 1 buổi/tuần, chị còn đăng ký thêm cho con 2 lớp chuyên đề và các khóa học riêng cho luyện viết tập làm văn, luyện viết đoạn văn tiếng Anh.
Giai đoạn nước rút này, chị còn cho con học hai lớp luyện đề Toán và tiếng Anh, mỗi môn 12 buổi. Nhẩm tính riêng tiền học thêm, mỗi tháng chị đầu tư cho con khoảng 4 triệu đồng. Dẫu vậy, phụ huynh này cho rằng mức đầu tư này vẫn “khá nhẹ nhàng”.
“Có những phụ huynh cho con “nhập cuộc ôn thi” từ lớp 2, 3, mỗi môn theo học tới 2 thầy cô khác nhau. Mức học phí cho những năm này có thể lên tới cả trăm triệu”, phụ huynh này chia sẻ.
Hay tin không còn thi tuyển vào lớp 6, dù không tiếc công sức và tiền bạc cho con ôn luyện trong thời gian qua, nhưng chị vẫn bức xúc vì việc xét tuyển như vậy sẽ không công bằng, có thể sinh ra những tiêu cực “chạy chọt, làm đẹp học bạ”.
“Không có cơ sở nào để xác định năng lực của hai học sinh ở hai trường khác nhau. Chưa kể, việc xét học bạ cũng khó phản ánh đúng khả năng của học sinh vì các bài thi trên trường thường có xu hướng kiểm tra kiến thức cơ bản.
Một học sinh có năng lực bình thường nhưng chăm chỉ, cẩn thận cũng có thể đạt được điểm cao. Trong khi kỳ thi của các trường sẽ phân loại tốt hơn, vì ngoài cẩn thận, bài thi cũng thách thức tư duy, kiến thức của học sinh”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hiền (quận Thanh Xuân) cho hay thay đổi này “giống như một vòng luẩn quẩn, quay về thời điểm 10 năm trước, cũng từng cấm thi tuyển vào lớp 6”.
Nếu xét tuyển, bà mẹ này cho rằng sẽ có lợi cho những bạn tham gia nhiều giải thưởng, cuộc thi, vì đây sẽ là điểm cộng cho hồ sơ. Trong khi đó, hiện nay có vô số cuộc thi “biến tưởng, bát nháo, không thực chất”.
“Thời gian qua, con cũng dồn sức ôn thi vào cấp 2, do đó đã bỏ hết các cuộc thi, giải thưởng vì không tập trung hết được. Nếu xét tuyển, con tôi sẽ không có thành tích gì để điền vào hồ sơ”, chị Hiền bức xúc.
Đặt mục tiêu cho con thi vào Trường THCS Cầu Giấy, chị Nguyễn Huyền Thương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải tìm hiểu cách thức tuyển sinh từ khi con mới học lớp 2. Ngay sau đó, chị đã cho con tham gia các lớp ôn luyện để làm quen với cách làm bài thi.
Thay đổi đột ngột này khiến chị hoang mang, mất phương hướng. “Nếu căn cứ vào xét học bạ cũng cũng không công bằng vì có trường chấm điểm lỏng tay, có trường chấm chặt tay; rồi những em bằng điểm nhau sẽ xử lý như nào? Nếu xét tuyển dựa vào những tiêu chí khác như bằng khen, giấy khen về thành tích học tập hay các hoạt động văn hóa, thể thao thì không khác gì giảm một kỳ thi nhưng lại nảy sinh nhiều kỳ thi khác để chạy đua thành tích”, chị Thương nói.
Cùng chung cảnh ngộ lên lộ trình ôn luyện vào trường chất lượng cao cho con từ sớm, anh Nguyễn Trung Kiên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay việc đột ngột cấm thi khiến phụ huynh “xoay như chong chóng”.
“Tôi nghĩ đã có trường chất lượng cao thì nên có hình thức tuyển sinh tương ứng để đảm bảo chất lượng đầu vào. Do đó, vẫn nên duy trì giống như các năm trước là tổ chức thi tuyển để tránh tiêu cực trong quá trình xét tuyển”, phụ huynh này bày tỏ.