Đến bây giờ, chủ đầu tư Bến xe phía Nam Đà Nẵng không hiểu vì sao đã đầu tư đúng quy hoạch nhưng không có được điều kiện để có thể hoạt động theo quy hoạch. Đó phải chăng là rủi ro mà DN không thể lường hết tại một địa phương có môi trường đầu tư tốt nhất cả nước.
Thảm cảnh bến xe chuẩn
Tháng 4/2005, Đà Nẵng phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông công chính Đà Nẵng đến năm 2010 định hướng đến năm 2020”. Trong đó, quy hoạch bến xe phía Bắc phục vụ vận chuyển từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc; Bến phía Nam phục vụ vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
Thời điểm đó, Đà Nẵng có 1 Bến xe Trung tâm sau này được chuyển ra khu vực phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) được xem là bến xe phía Bắc. Đà Nẵng đã chọn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đầu tư Bến xe phía Nam Đà Nẵng
Bến xe hoàn chỉnh những chưa một lần được dùng. |
Với số vốn 130 tỷ, sau 18 tháng, ĐLGL đã hoàn thành Bến xe phía Nam Đà Nẵng (BXPN) và đưa vào sử dụng vào tháng 9/2012. BXPN Đà Nẵng có khuôn viên rộng hơn 30.000 m2 (giai đoạn 1) đầy đủ các hạng mục: nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé... năng lực khai thác lên đến 800-1.000 lượt xe xuất bến/ngày. Cho đến thời điểm này, đây là bến xe theo chuẩn loại 1, kiểu mẫu của cả nước.
Ông Phan Xuân Viên cho biết, trên cơ sở bản Quy hoạch phát triển giao thông công chính, lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định quy hoạch phát triển giao thông Đà Nẵng rất rõ ràng, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để DN triển khai các dự án. Đây chính là niềm tin để chúng tôi quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng BXPN Đà Nẵng.
“Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình, xây dựng bến xe vào loại hiện đại bậc nhất cả nước. Nhưng lúc đi vào hoạt động là lúc bến xe rơi thảm cản không ai có thể ngờ tới: suốt hai năm bị bỏ hoang”, ông Viên chua xót.
Đến nay, toàn bộ diện tích sân bãi bê tông vẫn đang bị cỏ dại tấn công; khu vực sảnh đón khách, nhà chờ, quầy bán vế chưa một lần được sử dụng phủ đầy bụi và đang có dấu hiệu xuống cấp. Các hạ tầng dịch vụ khác đều bỏ không. Đội ngũ nhân viên tuyển gần trăm người nay đã nghỉ và bỏ việc gần hết, còn lại một vài người làm công tác bảo vệ và duy trì. Thậm chí, giám đốc bến xe cũng phải kiêm luôn bảo vệ, tiếp thị... Hai tết 2013 và 2014 vị giám đốc này không về nhà vì phải ở lại bảo vệ bến xe hoang này.
Với khoản vay 130 tỷ, chỉ tính tiền lãi thì mỗi ngày BXPN đang mất đi 20 triệu đồng. Tính ra với 130 tỷ đầu tư, hai năm bỏ hoang DN đã thiệt hại cả chục tỷ đồng.
Ngoài ra, đến nay, bến xe vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. mặt trước bến bị án ngữ bởi dãy 34 nhà dân gần như bịt kín. Vì thế, lối ra vào theo thiết kế chưa thể mở buộc DN phải thuê lại 2 vạt đất trống bố trí tạm lối ra vào, với giá gần 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một phần diện tích để triển khai giai đoạn hai mở rộng và hoàn thiện bến xe vẫn chưa được di dời và bàn giao.
Vì đâu nên nỗi?
Ông Phan Xuân Viên là người theo đuổi dự án từ đầu đến nay cho biết, trong quy hoạch và các chính sách, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng BXPN Đà Nẵng đều ghi rõ, dành cho các tuyến đi phía Nam và Tây Nguyên. Với Quy hoạch 2010 và tầm nhìn 2020, nên vào 2010 khi bỏ vốn đầu tư, DN tin rằng quy hoạch là ‘kim chỉ nam’ cho mọi định hướng đầu tư; DN cũng đặt niềm tin vào cam kết và chính sách của thành phố mới dám bỏ ra 130 tỷ đồng xây bến xe. Thế nhưng, khi bến xe hoàn thành thì việc phân chia luồng tuyến đã không thực hiện theo quy hoạch. Đây là nguyên nhân chính khiến BXPN bỏ hoang gần hai năm qua. Quả là một điều không ai ngờ tới.
Được biết, theo theo quy hoạch ban đầu, bến xe phía Bắc sẽ được đưa về khu vực giáp ranh Huyện Hòa Vang và Quân Liên Chiểu. Bến xe phía Nam sẽ được xây ở khu vực Hòa Vang. Đến nay, bến xe phía Nam đã được Đức Long Gia Lai xây dựng xong. Còn bến xe phía Bắc theo dự kiến quy hoạch đã chính là Bến xe trung tâm được chuyển về phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), nằm trên trục quốc lộ 1.. Tuy nhiên, khi di chuyển và xây dựng bến xe trong trung tâm, Đà Nẵng không phân luồng tuyến theo như quy hoạch khiến tất cả các tuyến xe đi phía Bắc và Nam đều đổ dồn về bến trung tâm. Còn BXPN dù được xây dựng theo quy hoạch đang bỏ hoang.
Hạ tầng mơ ước của nhiều nơi nhưng ở đây đang bỏ không. |
Chính vì thế, trong rất nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng Đà Nẵng, đơn vị đầu tư BXPN đã đề nghị Thành phố có những điều chỉnh theo đúng quy hoạch để giúp DN tháo gỡ khó khăn đi vào hoạt động. Trong đó có việc phân định luồng tuyến theo quy hoạch. Thế nhưng, suốt hai năm chờ đợi mọi nỗ lực đều bất thành.
Trong các văn bản phúc đáp, Sở GTVT, UBND TP Đà Nẵng thừa nhận BXPN triển khai phù hợp quy hoạch phê duyệt. Tuy nhiên, tháng 11/2012, lãnh đạo TP Đà Nẵng lại có văn bản chỉ đạo không đồng ý điều chuyển một số vận tải khách từ bến xe trung tâm Đà Nẵng về BXPN. Sau đó, đến tháng 6/2013, UBND TP chỉ đồng ý cho các phương tiện xe tải, xe container và các đơn vị vận tải tuyến cố định có nhu cầu đăng ký mới, vào khai thác BXPN Đà Nẵng.
Đồng thời, trao trách nhiệm tự vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào BXPN cho chủ đầu tư.
Vào tháng 5/2013, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP Đà Nẵng đã kiến nghị thường trực HĐND đề nghị UBND Đà Nẵng thực hiện đúng theo quy hoạch, trong đó phân định luồng tuyến BXPN cho các tuyến vận chuyển khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất (tháng 11/2013), TP Đà Nẵng vẫn giữ quan điểm trên đây. Giải thích cho việc này, Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, thành phố không thể áp đặt áp đặt, phân luồng tuyến. Bởi vì, theo quy định DN hợp tác xã được quyền đăng ký kinh doanh khai thác tuyến hoặc điều chỉnh phương án khai thác đang thực hiện trên tuyến.
Trước các quyết định của Đà Nẵng, ông Viên cho rằng điều này là không thực tế, khiến DN bế tắc. BXPN thiết kế phục vụ xe vận tải khách, nay thành phố cho khai thác các phương tiện xe tải nặng, xe container là vi phạm quy định và gây hại cho công trình xây dựng. Còn việc không phân luồng tuyến mà để DN tự lựa chọn khác nào thách thức vì không một ai bỏ bến xe trung tâm đông khách, thuận tiện để ra BXPN dù điều đó đang gây ra nhiều bức xúc cho giao thông thành phố.
Hoàng Sơn