Những vụ án đau lòng nghịch tử giết cha, những người phụ nữ vật vã trong phiên toà xử con - kẻ tội đồ giết bố… rất nhiều những câu chuyện thương tâm tương tự đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự  xô lệch chữ Hiếu trong gia đình hiện đại.

TIN BÀI KHÁC

Chuyện tình, tiền, tù tội của một tú bà

Ớn lạnh những vụ án nghịch tử

Sau mỗi vụ án giết người được đưa ra ánh sáng là mỗi lần dư luận lại xôn xao, bàng hoàng. Nhưng bi phẫn hơn cả, vẫn là những thảm án trong gia đình, mà cay đắng nhất là những vụ nghịch tử giết cha mẹ.

Vì can ngăn cha đánh mẹ không được, đối tượng Bùi Tất Trung (SN 1984, trú tại cụm 8 - Hạ Mỗ - Đan Phượng - Hà Nội) đã bất ngờ vớ lấy con dao bầu đâm vào bụng và đùi trái bố mình. Nạn nhân là ông Bùi Tất Bật (SN 1949, là bố đẻ của Trung) làm ông Bật bị trọng thương và tử vong sau đó. Kẻ nghịch tử nhanh chóng ra đầu thú, nhưng cũng không thể cứu vãn được điều gì.

Phan Minh Mẫn (trái) cùng người thân (bà nội, mẹ, em gái) trong giây phút Mẫn bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình (Ảnh: PLVN)

Bi kịch đẫm nước mắt trong gia đình Trung không phải ngoại lệ. Ngày 9/11/2009, Phan Minh Mẫn  - sinh viên trường Cao đẳng kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm đi học về tới nhà thấy cha mình là ông P.T.T. say rượu đang nằm ngủ dưới nền nhà. Sẵn nỗi oán giận cha thường xuyên rượu chè, chỉ biết đánh đập vợ con, Mẫn đã liều lĩnh chích điện vào người cha đến chết. Vì một phút nông nổi, đứa con đã phạm phải tội tày trời.

Nhẫn tâm hơn, và cũng kinh hoàng hơn là câu chuyện anh rủ em giết cha, phi tang, giấu xác ở Đắc Lắc. Cũng vì căm ghét cha chuyên nhậu nhẹt, đánh đập anh em và mẹ, nên hai anh em Dương Quang Quyền Niê (SN 1993) và Quang Thế Niê (SN 1996) tạm trú ở thôn 1, xã Ea Sol, huyện Ea Hleo – Đắc Lắc đã lợi dụng lúc cha say rượu ngủ, dùng gậy đập liên tiếp vào mặt bố đến chết rồi giấu xác bố, đốt lán tung tin bố bỏ nhà đi biệt tích. Sự việc chỉ bại lộ khi người em trai không chịu đựng được tòa án lương tâm, gọi điện về cho mẹ đầu thú.

Hung thủ trước hay sau đều đã phải trả giá, nhưng tiếng nói cảnh báo từ những vụ án ấy vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Bởi, những thảm cảnh tương tự vẫn tiếp diễn, những bi kịch vẫn không dừng. Những nhát dao oan nghiệt vẫn sẵn sàng giáng thẳng xuống người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm với gia đình, thiếu tình thương yêu với người thân ruột thịt. Song đó là những nhát dao tội lỗi, không sự hối hận, không bản án nào đủ sức gột rửa hết tội lỗi của đứa con vung tay giết hại người sinh thành ra mình.

Chữ Hiếu lung lay

Dù có phải trả giá, thì tội bất hiếu vẫn không thể nào dung thứ trong tâm thức người Việt.
Nhìn vào những vụ án mạng đau lòng trên đây, ắt sẽ thấy điểm chung, đó là những kẻ tội đồ cũng thật đáng thương. Vì họ xuất phát cũng là những đứa trẻ, những đứa con… song đã không được mẹ cha quan tâm đủ đầy, giáo dục chu toàn. Họ bị cha mình hắt hủi, ruồng rẫy, đối xử tệ bạc, chứng kiến cảnh bất công trong gia đình để rồi phải xuống tay như thú dữ… Trước khi là kẻ thủ ác, họ đã không được thương yêu, không được hưởng trọn vẹn hạnh phúc gia đình như những người con khác. Và đáng tiếc thay, họ đã không thể tự chủ được mình để tìm một hướng giải thoát tốt hơn…

Theo Bộ luật Hồng Đức - một bộ luật xưa nổi tiếng của Việt Nam - thì tội ác nghịch (mưu giết hay đánh ông bà cha mẹ) và tội bất hiếu (cáo giác hay chửi rủa ông bà cha mẹ) đều được liệt vào nhóm tội thập ác có nghĩa là những trọng tội nguy hiểm nhất và đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc nhất mà không được chế độ đặc xá, đại xá. Cũng bởi vậy, trong tâm thức người Việt, chữ Hiếu luôn phải đặt lên hàng đầu.

Cuộc sống hiện đại, lẽ ra những giá trị tốt đẹp này càng phải được trân quý, nâng giữ, thì người ta lại bất lực nhìn nó xuống dốc thê thảm. Đâu đó, có những vụ con chửi mắng hành hạ ông bà, cha mẹ bị phát hiện. Đâu đó, có những vụ con giết cha, đánh mẹ tàn nhẫn bị xử lý. Nhưng chắc chắn không phải vụ việc nào cũng đều được phanh phui kịp thời, được đứa ra ánh sáng hoàn toàn. Chúng ta không hoài nghi rằng còn rất nhiều sự việc vẫn đang nằm trong bóng tối. Và cũng không quá lo xa khi mỗi người làm cha, làm mẹ tự nhìn lại mình, nhìn lại cách giáo dục con cái, cũng như cách mình đang sống, đang làm gương cho con cái.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng của con người. Khi nền tảng ấy lung lay, chắc chắn nó sẽ kéo theo hàng trăm, hàng nghìn bi kịch tiếp nối. Khi chữ Hiếu bị coi thường, mất đi vị thế trong xã hội, cũng là khi con người ta đánh mất đi một trong những giá trị cốt lõi của đạo làm người.

Thuý Hà