Bà Phan Lan Hương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ, trong quá trình làm tham vấn, không ít lần bà được lắng nghe những câu chuyện trái ngược về cách giáo dục, chăm sóc, bảo vệ con cái. 

Nhiều lần ngay cả nửa đêm, bà cũng nhận được tin nhắn của phụ huynh với nội dung: "Con tôi ích kỷ quá. Nó cho rằng mình có quyền với tất cả mọi thứ, không ai được phép làm trái ý nó. Ai nói là nó gào lên. Giờ tôi không biết phải làm thế nào". 

Nhiều người quan niệm, đứa trẻ là con một trong gia đình thường dễ trở nên ích kỷ, không biết quan tâm, không có tính trách nhiệm và chia sẻ. Nhưng theo chuyên gia, đó chỉ là quan điểm phiếm diện. Bởi ngay cả ở một số gia đình có nhiều hơn một đứa con cũng rơi vào tình trạng đó.

Vậy nguyên nhân từ đâu? Chuyên gia nhận định, nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ mối quan hệ gia đình và cách giáo dục của phụ huynh.  

Bà dẫn dắt câu chuyện mình từng chứng kiến, nghe được từ những người xung quanh.

Chuyên gia kể: "Hàng xóm nhà tôi khó khăn trong việc sinh nở. Sau 3 năm lấy chồng không có con, bị gia đình nhà chồng gây khó dễ, cô ly dị chồng. 43 tuổi, cô ấy ‘xin’ được đứa con trai. Cả làng xì xào này nọ. Đến nỗi mẹ chồng cũ cũng lôi cô ấy ra nói dù lúc này họ chẳng còn liên quan. 

Làm mẹ đơn thân nên cô rất vất vả, làm nhiều công việc để nuôi con. Cậu con trai lên 5-6 tuổi đã biết làm nhiều việc: tự tắm gội, tự quét dọn nhà cửa, nấu ăn. 

Lớn hơn chút, cậu bé tự làm hết việc lớn đến việc nhỏ và không bao giờ kêu ca, cũng chẳng đòi hỏi điều gì. Cậu bé cứ thế sắp xếp công việc trong nhà một cách tỉ mỉ, đầy đủ.

Giờ đây, cậu ấy giống như một 'người chồng quốc dân'. Bà vợ hàng xóm nào cũng ‘thèm’ sự chu đáo, quan tâm, chăm sóc gia đình, vợ con của cậu ấy”.

Một câu chuyện khác chuyên gia Phan Thị Lan Hương nghe được, trái ngược hoàn toàn với câu chuyện trên: 

"Một gia đình đẻ 5 cô con gái, mãi mới có 1 cậu con trai. Người mẹ chiều cậu con trai. Cả nhà lao vào phục vụ không để cậu thiếu thốn điều gì, coi là ‘con vàng con bạc’. Chị gái 10 tuổi, 8 tuổi... đều phải vào bếp nấu cơm, trông em. Cô chị lớn còn bế vẹo xương sườn, vừa nấu cơm vừa cắp em bên nách. 

Khi lớn lên, mấy người chị kia sống rất trách nhiệm, có của ngon vật lạ là nghĩ đến việc chia sẻ liền. Còn cậu em giờ đã nhiều tuổi, đã có gia đình nhưng vẫn nằm trên ghế sofa và gọi bà mẹ gần 70 tuổi 'lấy cho con cốc nước'. Ý kiến của anh ta là số 1, không ai được góp ý. Anh ta nói gì phải nghe vậy… 

Nghe nói anh ta cũng nhiều lần chuyển chỗ làm vì 'chỗ nào cũng không hợp, toàn người không thể nói chuyện được'”.

Từ những ví dụ trên, chuyên gia nhận định, đứa trẻ học tính trách nhiệm đôi khi từ những hành vi ứng xử rất nhỏ của các thành viên trong gia đình. Con cái có tính ích kỷ sẽ không bảo vệ được bản thân. Khi lớn lên, nếu con có lối sống sai lệch, cha mẹ sẽ không thể bảo vệ được con trẻ.

W-duan  daytre.jpg

Chuyên gia đưa ra một số giải pháp giúp cha mẹ có cái nhìn khác hơn về giáo dục con cái sống có tính trách nhiệm để biết tự bảo vệ mình. 

1. Cho trẻ cơ hội biết cách tự chăm sóc bản thân từ việc tắm gội, tự đi ngủ, học hành,... Một đứa trẻ biết chăm sóc bản thân đồng thời cũng sẽ biết lo cho người khác. 

2. Biết chăm sóc, quan tâm bố mẹ, anh chị em từ khi còn nhỏ

Dạy con biết quan tâm, chăm sóc mọi người trong gia đình từ khi còn nhỏ là một phần giá trị quan trọng trong việc giáo dục trẻ có tính trách nhiệm với các thành viên trong gia đình khi đứa trẻ lớn lên. 

Một đứa trẻ không biết quan tâm đến mọi người xung quanh, khi lớn lên sẽ luôn tự cho rằng mình là “cái rốn của vũ trụ”. Mọi người phải quay xung quanh và đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ đó. Nó sẽ trở thành một đứa trẻ ích kỷ chỉ biết nhận mà không cho.

3. Giúp bố mẹ làm việc nhà

Giúp bố mẹ làm việc nhà là một phần hoạt động làm tăng mối liên kết, tính trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Đương nhiên, các thành viên khác cũng cần tham gia vào công việc này một cách công bằng. 

Hãy để tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau làm việc nhà một cách tự giác và vui vẻ. Đó là sự thể hiện tính trách nhiệm, chia sẻ và sự quan tâm với nhau.

4. Người lớn trong gia đình cần có sự quan tâm nhau

Sự quan tâm ở đây không chỉ thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động mà còn là không khí yêu thương trong gia đình.

5. Sự chia sẻ với những người xung quanh

Sự chia sẻ cần phải xuất phát từ trái tim, sự chân thành chứ không phải là sự khoe mẽ hay vì một mục đích nào khác.

6. Chịu trách nhiệm từ lời nói, hành vi và ứng xử của mình

Một đứa trẻ không có trách nhiệm thì bất cứ việc gì cũng sẽ thành kiểu làm cho người khác: học cho bố mẹ, làm cho bố mẹ...

Một đứa trẻ không dám nhận trách nhiệm sẽ luôn trốn tránh sự gánh vác và những khó khăn. Nó sẽ biết nói dối và phủ nhận những việc làm, lời nói đem lại những bất lợi cho mình.

Khi bạn dạy con về tính chịu trách nhiệm với bản thân và người khác thì bạn cũng phải giữ được đúng giá trị đó với con bạn, với những thành viên khác trong gia đình. Điều đó sẽ giúp con bạn hiểu và học được về sự công bằng, việc phải chịu trách nhiệm trước lời nói, hành vi của mình với bản thân và mọi người xung quanh.

7. Quan tâm đến cảm xúc của các thành viên trong gia đình

8. Bố mẹ giữ lời hứa đối với con

9. Giữ đúng các nguyên tắc xã hội và quy định của gia đình (sống có kỷ luật)

Mọi nguyên tắc dù ngoài xã hội hay trong gia đình một khi đã được đưa ra thì những người lớn không nên phá vỡ. Nếu không, đứa trẻ sẽ trở nên mất phương hướng, bị rối loạn giữa nên hay không nên. Chúng sẽ không có trách nhiệm để tự ý thức về những nguyên tắc đó nữa.

10. Việc giáo dục con giữa vợ và chồng cũng phải nhất quán

11. Không quyết định thay con

12. Tôn trọng người khác

13. Cho con trải nghiệm về nguyên nhân và hậu quả

Hãy để con bạn đối mặt và xử lý những lỗi sai của chúng. Chúng cần phải biết nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình.

15. Dạy con biết xin lỗi, cảm ơn