Tháng 3/2022, Viện Giáo dục và Phát triển xã hội Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh thực hiện khảo sát hiệu quả sau chính sách giảm kép, kết quả cho thấy áp lực và gánh nặng công việc của giáo viên ngày càng tăng. Trong 20.000 giáo viên đến từ 3.564 trường trên cả nước, có đến 70,9% kêu gọi giảm bớt gánh nặng ngoài công việc giảng dạy.
'Dạy học trở thành công việc phụ'
Cô Hà Tuyết Tịch, 23 tuổi là giáo viên chủ nhiệm tại một trường tiểu học ở Quảng Đông (Trung Quốc). Sở dĩ, nữ giáo viên yêu nghề vì được tiếp xúc với trẻ em. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm đi làm, cô cảm thấy mệt mỏi vì ngoài giảng dạy, việc phụ nhiều gấp 3 lần việc chính: "Dạy học dường như chỉ là việc phụ của giáo viên ngày nay".
Cô Tịch cho biết, mỗi tuần có 15 tiết, ngoài dạy tiếng Trung (Văn) còn kiêm thêm môn Thủ công, Đạo đức và Pháp luật, Thư pháp. Hoàn thành việc dạy hàng ngày, cô phải tham gia cuộc thi "Thiết kế bài giảng", chuẩn bị ít nhất 2-3 bài để lãnh đạo duyệt.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô Tịch chịu trách nhiệm quản lý lớp bao gồm các việc hàng ngày như: Điểm danh học sinh đi học và vắng mặt; Kiểm tra phiếu báo giảng, sổ lên lớp của giáo viên bộ môn; Phiếu ghi đánh giá tiêu chuẩn ứng xử trong lớp của học sinh; Phiếu ghi nhận ý kiến của học sinh, phụ huynh; Hàng tuần, tháng và kỳ làm báo cáo tình hình cụ thể của lớp học,…
Giống như cô Hà Tuyết Tịch, cô Kim Bối Bối, 28 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 tại một trường THCS cũng đau đầu vì hàng loạt công việc ngoài chuyên môn. Ngoài dạy tiếng Trung (Văn) là chuyên môn chính, cô Bối dạy cả Sinh học kiêm thêm viết bài truyền thông và tổ hoạt động ngoại khóa.
Nữ giáo viên chia sẻ, mỗi lần trường tổ chức lễ kỷ niệm hay các hoạt động ngoại khóa đều phải xây dựng kế hoạch báo cáo gửi lên phòng giáo dục. Thời gian để cô Bối hoàn thành bằng với số tiết của 4-5 ngày lên lớp.
Các đợt kiểm tra, đánh giá trong năm diễn ra, cô Bối liên tục được cấp trên giao phó. "Nếu bị đánh giá không tốt, nhà trường sẽ chỉ trích tôi thực hiện không nghiêm túc", cô Bối chia sẻ áp lực khi phải đảm nhiệm quá nhiều việc phụ.
Vừa qua, phòng giáo dục địa phương triển khai Cuộc thi viết bài tuyên truyền phòng chống ma túy học đường, yêu cầu học sinh toàn trường tham gia. Thay vì triển khai nội dung đến các lớp, cô Bối quyết định sử dụng tài khoản của học sinh tự làm bài, để đảm bảo thời gian nộp. Cuộc thi chỉ diễn ra 5 ngày, cô Bối phải nhờ thêm 3 đồng nghiệp trợ giúp.
"Năm 2019, chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các thành phố, địa phương yêu cầu trường học giảm gánh nặng cho giáo viên. Tôi nhận thấy, sau hàng loạt các văn bản được ban hành gánh nặng của giáo viên ngày càng tăng, công việc phụ không giảm đi", cô Bối bày tỏ.
Áp lực công việc: Người trầm cảm, người muốn rời ngành
Cô Bạch Lộ, một giáo viên tiểu học khác, cảm thấy mệt mỏi vì nhiệm vụ giảng dạy chỉ chiếm 30%, còn lại là việc phụ. Cô là giáo viên dạy tiếng Trung kiêm thêm công việc đoàn hội. Hàng tuần, cô sẽ nhận nhiệm vụ từ phòng giáo dục liên quan đến các nội dung: Cuộc thi an toàn giao thông, phòng chống ma túy học đường, lớp cảm tình Đoàn…
Công việc hàng ngày của cô là nhắc học sinh, hoàn thành bài xong phải chụp ảnh. Trong quá trình này, cô cần sự giúp đỡ của phụ huynh, tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng hợp tác. Họ cho rằng quá nhiều thông báo cần xác nhận, thậm chí có phụ huynh còn kiện cô lên phòng giáo dục vì việc này.
Chia sẻ khó khăn của nghề, cô Lộ cho biết trẻ khá nghịch ngợm hay bị ngã hoặc trầy xước chân tay. "Mỗi lần học sinh xảy ra sự cố tôi đều phải chụp ảnh gửi cho phụ huynh giải thích. Điều này, đồng nghĩa với việc thời gian cá nhân của tôi bị chiếm dụng. Về nhà, có ngày tôi mất 30 phút nghe phụ huynh chất vấn", cô Lộ chia sẻ.
Còn cô Tịch cho biết, mới vào nghề cảm thấy phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề: "Tôi sợ dạy học sinh không tốt hoặc các em không hiểu bài. Khi đối mặt với phụ huynh, tôi có tâm lý ngại giao tiếp. Tan làm, tôi phải đối mặt với từng phụ huynh".
Sau thời gian vào nghề với nhiều nỗi lo không được giải tỏa, cộng với áp lực công việc, cô Tịch vừa đi gặp bác sĩ tâm lý kết quả, bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (bệnh rối loạn tâm thần - OCD). "Tôi không thể kiểm soát cảm xúc đến mức đang dạy cũng khóc. Có hôm, tôi không thể chịu nổi phải chạy vào vệ sinh khóc lớn một lúc", nữ giáo viên bộc bạch.
Thầy Tần Tử Phong vừa tốt nghiệp đại học đợt tháng 6 và ký hợp đồng dạy Toán lớp 7 tại một trường THCS. Trước khi vào ngành, thầy Phong mang theo nhiều hy vọng. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn làm tại trường, thầy Phong chán nản vì chuyên môn không được trau dồi, việc phụ nhiều hơn việc chính.
Ngoài việc giảng dạy, thầy Phong có nhiệm vụ cập nhật hình ảnh các lớp học để báo lãnh đạo hàng ngày. Đối với tiết tự học, thầy phải tổng hợp video gửi vào tổ quản lý giáo viên.
Để trở thành giáo viên giỏi, thầy Phong dành nhiều thời gian trau dồi và nghiên cứu. Tuy nhiên, nghĩ đến việc 3 năm nữa, thầy Phong phải làm giáo viên chủ nhiệm, bị ràng buộc bởi nhiệm vụ phụ rất nặng nề không đúng chuyên môn. Do đó, nam giáo viên có ý định bỏ nghề và nếu tiếp tục không biết duy trì được bao lâu.
The Paper