Android P mới được Google giới thiệu tại Google I/O vào đầu tháng này. Phiên bản mới nhất được tích hợp nhiều thao tác cử chỉ, các tính năng giúp hạn chế thời gian sử dụng điện thoại và nhấn mạnh vào AI.

Tuy nhiên không phải phiên bản mới lúc nào cũng hay. Dưới đây là 4 điểm tôi cảm thấy chưa thể “yêu” ở Android P sau một tuần trải nghiệm trên điện thoại Nokia 7 Plus.

Đây là những nhận định dựa trên phiên bản Android P beta, chưa phải là bản chính thức. Khi Google ra mắt Android P chính thức vào quý III năm nay, một số điểm trong bài viết có thể sẽ được khắc phục.

Thao tác cử chỉ phức tạp, không bỏ được hàng phím ảo

Việc điều hướng trên Android P đã thay đổi hoàn toàn so với những phiên bản trước. Trước đây, hệ điều hành Android luôn gắn với 3 nút là Home (về màn hình chính), Back (quay lại) và Recent (đa nhiệm).

Các nhà sản xuất có thể tích hợp nút ảo hoặc sử dụng nút cảm ứng phía ngoài màn hình. Tuy nhiên ở Android P, Google đã chuyển sang sử dụng các thao tác điều hướng bằng cử chỉ, một sự thay đổi khá đột ngột.

Ở phiên bản mới, nút Home (biểu tượng “viên thuốc” ở thanh phím ảo) bỗng nhiên mang một loạt thao tác: bấm một lần để về màn hình, quẹt ngang hoặc vuốt lên để hiện đa nhiệm, vuốt lên hai lần hoặc vuốt dài để hiện khay ứng dụng, bấm giữ để mở Google Assistant...

Mặc dù bỏ được nút Recent, số lượng thao tác trên nút Home lại quá nhiều, dễ nhầm lẫn và người dùng sẽ phải mất một thời gian mới làm quen được.

Mặc dù đã chuyển sang thao tác bằng cử chỉ, Android P vẫn chưa bỏ được thanh phím ảo

Tuy đã bỏ được nút Recent, Google lại chưa giải quyết được nút Back. Không một thao tác nào thay thế được chức năng quay trở về, do vậy Google không bỏ được phím Back.

Dù đã tích hợp cử chỉ, hệ điều hành Android P vẫn phải tốn diện tích màn hình cho một hàng phím ảo chứ không bỏ được hoàn toàn như nút Home ở iPhone X.

Thực ra nhiều nhà sản xuất đã tích hợp cử chỉ trên smartphone của mình, ví dụ như nút back trên máy Xiaomi thì vuốt từ cạnh trái màn hình sang, còn Oppo thì cho vuốt ở cạnh dưới màn hình. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, không thể nào đồng bộ với mọi thiết bị như ba phím gốc của Android.

Vấn đề của hệ điều hành này là Google, từ đầu, đã không yêu cầu các nhà phát triển tích hợp phím quay lại trên giao diện ứng dụng. Apple làm như vậy và trên iPhone X họ chỉ cần tìm cách giải quyết phím Home vì phím back vật lý chưa bao giờ tồn tại.

Cho đến khi Google thay đổi hẳn cách điều hướng của mọi ứng dụng, hệ điều hành Android sẽ luôn mất một chút diện tích màn hình cho phím ảo.

Giao diện quá nhiều màu và hiệu ứng chuyển đổi rườm rà

Các phiên bản trước là Nougat và Oreo áp dụng tông màu khá nhạt, với điểm nhấn là một chút màu xanh trong toàn bộ giao diện. Điều này có thể thấy rõ nhất ở mục cài đặt. Android P thì ngược lại khi mang một giao diện nhiều màu sắc.

Cũng ở mục cài đặt trên Android P, mỗi chức năng sẽ có một màu sắc khác nhau và thường là tương phản. Tất nhiên, màu sắc cũng có thể giúp người dùng dễ nhận biết mục cần tìm hơn, nhưng Android P lại thay đổi quá nhanh chóng.

Thanh thông báo chỉ tối đa 3 biểu tượng

 Một điểm nữa là nhiều hiệu ứng chuyển đổi trên Android P khá rườm rà. Hãy nhìn ngay ở hiệu ứng chuyển giữa hai ứng dụng: màn hình thu nhỏ lại, chạy sang ứng dụng thứ hai, rồi lại phóng ra. Không chỉ nhiều bước, hiệu ứng còn không mượt và liền mạch, tạo cảm giác giật cục dù phần cứng điện thoại rất mạnh mẽ. Trong khi đó, hiệu ứng chuyển ứng dụng trên iPhone X mượt và tự nhiên hơn nhiều.

Phải chăng Google ưu tiên cho các máy “tai thỏ”, nên hiển thị ít thông báo hơn trước đây?

Phần góc trên, trái màn hình trên Android luôn là nơi hiển thị các biểu tượng thông báo. Tuy nhiên ở bản Android P thì vị trí này lại có thêm biểu tượng đồng hồ (trước đây nằm bên góc phải). Tệ hơn, máy sẽ chỉ hiện được thêm 3 biểu tượng thông báo khác, và nếu có thêm thì sẽ hiện biểu tượng ba chấm ở giữa, thể hiện là còn nhiều thông báo hơn và bạn cần kéo xuống để xem.

Có lẽ đây là cách để Android P tương thích tốt hơn với các điện thoại màn hình “tai thỏ”. Nhưng rõ ràng chiếc điện thoại của tôi, Nokia 7 Plus cùng hàng loạt máy khác được cập nhật Android P đâu có tai thỏ? Vì sao Google không tối ưu tốt hơn và cho phép các máy với thiết kế truyền thống hiển thị được nhiều thông báo hơn?

Tính năng xoay màn hình tiện nhưng hơi thừa

Người dùng Android hẳn đã quá quen với nút chế độ xoay màn hình tự động. Trên Android P, Google bổ sung thêm nút tắt để xoay màn hình ở thanh phím ảo.

Cụ thể hơn, khi bạn tắt chế độ tự xoay màn hình nhưng cầm máy từ dọc thành ngang, một nút nhỏ sẽ hiện lên để bạn xoay màn hình ứng dụng sang ngang. Điều tương tự cũng xảy ra khi xoay màn hình từ ngang sang dọc.

Nút xoay màn hình tiện nhưng nhiều lúc hơi thừa

Việc cho phép người dùng chủ động chọn lúc nào cần xoay màn hình có vẻ ưu việt hơn là xoay tự động, nhưng nhìn lại thì chỉ có vài trường hợp tôi muốn màn hình xoay ngang.

Đó là khi xem video, xem ảnh hoặc (rất ít khi) là xem một trang web mà bắt buộc phải xoay ngang. Vấn đề là rất nhiều ứng dụng xem phim như YouTube đủ thông minh để tự động xoay khi tôi bấm nút phóng màn hình, và lúc này nút xoay trên thanh phím ảo trở nên thừa thãi.

Đó là chưa kể tới lúc tôi đang nằm và lướt Facebook, lúc này máy liên tục đổi trạng thái giữa đứng và nằm. Bình thường tôi chỉ việc tắt xoay tự động bởi tôi luôn lướt Facebook theo trạng thái dọc.

Tuy nhiên trên Android P, biểu tượng xoay màn hình đôi lúc lại thay đổi khiến tôi mất tập trung. Nếu như Google bổ sung thêm tính năng cho phép chọn ứng dụng nào cần xoay tự động, ứng dụng nào luôn xem dọc… thì sẽ tốt hơn.

Theo Zing