"Fake news" hay tin giả không phải là một thuật ngữ mới. Nhưng nó vẫn đang bộc lộ mối đe dọa ngày càng tăng đối với mọi người thậm chí mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Chỉ cần một lượng nhỏ tin tức giả đã đủ để phá vỡ một cuộc thảo luận thông thường. Ở bên kia thái cực, tin giả có thể gây ra những tác động khủng khiếp, bao gồm cả dịch bệnh hoặc kết quả bầu cử.
Vậy chúng ta có thể làm gì để tránh những tin tức giả?
Trong khi cả phương tiện truyền thông chính thống và các mạng xã hội vẫn đang loay hoay chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề, các nhà khoa học nghĩ rằng chúng ta có thể vận dụng tâm lý học để chặn con đường tin giả đi vào não bộ. Họ đang nỗ lực tìm hiểu cách trí nhớ hoạt động để giải thích lý do tại sao tin giả hấp dẫn chúng ta và làm thế nào để phòng tránh chúng.
Đây là 4 kẽ hở tâm lý mà "fake news" sử dụng để xâm nhập vào não bộ bạn
Hiệu ứng Misattribution và Mandela: Kẽ hở của não bộ
Trong não bộ có một cơ chế sắp xếp và hồi tưởng lại thông tin vào bộ nhớ lưu trữ dài hạn. Khi có một thông tin đi vào đầu bạn, nó sẽ được xếp vào một ngăn nhớ, và khi bạn cần nhớ lại chúng sau một thời gian, bộ não sẽ trích xuất các ngăn nhớ này và gợi lại thông tin cho bạn.
Vấn đề là bản thân thông tin và nguồn của thông tin đó lại là hai thông tin khác nhau, vì vậy chúng được lưu trữ trong những ngăn nhớ khác nhau. Đôi khi quá trình phân phối sai (Misattribution) có thể khiến hoạt động trích xuất thông tin ra khỏi các ngăn nhớ bị lộn xộn.
Bạn có thể đọc đâu đó một tin giả được truyền miệng chưa được xác thực. Sau đó, misattribution xảy ra trong não bộ và bạn sẽ không nhớ hoặc nhớ nhầm nguồn tin của nó trên phương tiện truyền thông chính thống.
Tin giả thường lợi dụng kẽ hở này để phát sinh và lan truyền. Một người có thể nói rằng: "Tôi đã nghe thấy đâu đó, hình như trên TV nói rằng…" và thế là tin giả này đã lọt vào não bộ một người khác.
Phân phối sai nguồn tin cũng là một trong những hoạt động nhận thức được các nhà làm quảng cáo lợi dụng triệt để. Điển hình, chúng ta thường có cảm giác rất quen thuộc và dễ chịu khi bắt gặp các sản phẩm tiêu dùng như nước ngọt ngoài đời thực. Lý do một phần là vì chúng ta đã xem quảng cáo về chúng trên tivi.
Não bộ của bạn bỏ qua một thực tế về nguồn thông tin rằng, các quảng cáo nước ngọt trên tivi mang lại rất nhiều cảm xúc tích cực như sự tràn đầy năng lượng, sức sống, hứng khởi thậm chí tình yêu thương… nhưng chúng thực chất vẫn là các quảng cáo được nhà sản xuất trả tiền để lên sóng.
Còn về phía nguồn thông tin chính thống, các cơ quan y tế nói rằng nước ngọt là một sản phẩm gây béo phì, tiểu đường và không tốt cho sức khỏe. Nhưng bởi bạn không nhớ hoặc nhận thức được nguồn gốc của thông tin, bạn vẫn sẽ thấy nước ngọt hấp dẫn qua các quảng cáo.
Đôi khi quá trình phân phối sai (Misattribution) có thể khiến hoạt động trích xuất thông tin ra khỏi các ngăn nhớ bị lộn xộn.
Thêm một lý do nữa, việc tiếp xúc lặp đi lặp lại với thông tin sai có thể khiến bạn coi nó là đúng. Thử hỏi xem bạn nhìn thấy các chai nước ngọt trên quảng cáo nhiều hơn, hay trong các khuyến cáo của chuyên gia y tế nhiều hơn?
Sự lặp lại của thông tin, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo ra một phản ứng đồng thuận tập thể trong nhận thức. Phản ứng này có thể dẫn đến Hiệu ứng Mandela, trong đó, rất nhiều người cùng có chung một niềm tin vào một câu chuyện không có thật.
Hiệu ứng Mandela có thể vô hại, nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả dây chuyền lớn, chẳng hạn như khi quá nhiều bậc phụ huynh tin rằng vắc-xin sởi có thể gây ra bệnh tự kỷ - mặc dù đây chỉ là một tin giả - họ đã không đưa con cái mình đi tiêm phòng, và hậu quả là dịch sởi đang bùng phát khắp nơi trên thế giới.
Hiệu ứng Bias và Belief echo: Đừng quá tin tưởng vào não bộ của mình
Hiệu ứng Bias, hay còn gọi là thiên vị xảy ra khi cảm xúc và trực giác của chúng ta ảnh hưởng vào quá trình mã hóa thông tin và truy xuất bộ nhớ. Chúng ta nghĩ rằng trí nhớ của mình là một kho lưu trữ cẩn mật và chính xác. Nhưng đôi khi không phải vậy, bộ nhớ của chúng ta giống một người kể chuyện hơn là một thư viện tự động.
Ký ức được hình thành bởi niềm tin của chúng ta, và nó vẽ ra một câu chuyện thiên vị hơn là một bộ hồ sơ chính xác. Một ví dụ mà bạn có thể để ý: Khi đọc được một tin tức nào đó, nếu bạn có xu hướng ủng hộ hoặc thích thú với nguồn tin đó, bạn sẽ lên Google và tìm kiếm các thông tin xác thực cho tin đó, chứ không phải thông tin phản biện.
Chúng ta có xu hướng thiên vị, để tìm kiếm thông tin củng cố niềm tin đã có từ trước của chúng ta và lảng tránh thông tin khiến những niềm tin đó bị nghi ngờ. Đó là bởi bộ não của chúng ta luôn giả định những thứ mà chúng ta tin có nguồn gốc từ một nguồn đáng tin cậy.
Ai cũng có thể bị vướng vào hiệu ứng Bias, nên bạn đừng quá tin tưởng vào não bộ của mình
Nhưng liệu mọi người có khuynh hướng nhớ thông tin củng cố niềm tin của họ hơn các thông tin phản biện hay không? Trong trường hợp này có lẽ là không. Nghiên cứu cho thấy những người có niềm tin mạnh mẽ sẽ nhớ cả những điều có liên quan đến niềm tin của họ, nhưng cũng nhớ cả những thông tin đối lập.
Điều này xảy ra bởi vì mọi người có xu hướng bảo vệ niềm tin của họ và chống lại quan điểm đối lập. Nó tiếp tục tạo ra một hiệu ứng nữa gọi là Belief echo (tiếng vọng niềm tin) gây ra những khó khăn trong việc đính chính thông tin sai lệch.
Ban đầu, các tin tức giả thường được thiết kế để thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng ngay cả khi nó được phát hiện, tin giả vẫn có thể tiếp tục định hình thái độ của độc gì, vì nó đã tạo ra được một phản ứng cảm xúc sống động ngay từ ban đầu.
Ngược lại, việc đính chính thông tin sau đó tạo ra các cảm xúc nhỏ hơn nhiều. Các nhà khoa học cho biết sự thiên vị này cần phải được xóa bỏ bằng nhiều biện pháp, ví dụ tin đính chính nên được phân phối nổi bật hơn trên các phương tiện thông tin, chẳng hạn như trên đầu của tờ báo.
Mẹo chống tin giả
Nếu nhìn vào cách mà não bộ con người hoạt động, chắc chắn một điều rằng chúng ta không thể chống lại tin tức giả một cách triệt để. Nhưng có một mẹo mà bạn có thể giảm thiểu sự ảnh hưởng của chúng, đó là hãy tập suy nghĩ như một nhà khoa học.
Như chúng ta biết, khoa học có những hệ thống câu hỏi và phương pháp giúp dập tắt sự thiên vị cá nhân để đem lại những tri thức khách quan nhất. Bạn có thể áp dụng chúng với các tin tức hàng ngày, bắt đầu bằng những câu hỏi:
Tin tức này thuộc loại nội dung gì? Trong bối cảnh nhiều người bắt đầu coi các phương tiện truyền thông xã hội là nguồn tin tức chính của họ, sẽ rất quan trọng khi phân loại thông tin xem đó là tin tức, ý kiến hay thậm chí là truyện đùa. Hoạt động này sẽ giúp phân loại các ngăn nhớ trong não bộ để xếp hạng sự tin cậy của các thông tin đi vào.
Thông tin đến từ đâu? Chú ý nơi thông tin được công bố là điều tối quan trọng để mã hóa nguồn thông tin vào trí nhớ. Nếu một tin tức nào đó quan trọng, nó sẽ xuất hiện trên một loạt các nguồn đáng tin cậy.
Ai sẽ được lợi từ thông tin này? Dự đoán những người được hưởng lợi từ niềm tin của bạn cũng giúp đặt nguồn thông tin vào đúng vị trí trong bộ nhớ. Nó cũng có thể giúp chúng ta phản ánh lợi ích của chính mình và xem liệu những thành kiến cá nhân của chúng ta có đang tham gia vào cuộc chơi hay không.
Tham khảo Theconversation, Wikipedia