Người có uy tín chung tay xóa bỏ hủ tục
Tỉnh Hà Giang có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đời sống của đồng bào ở Hà Giang những năm gần đây có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hiện nay vẫn còn tồn tại một số hủ tục cần phải loại bỏ, như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ, mê tín dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm; trong đám tang còn giết mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, để người chết trong nhà nhiều ngày...
Ðầu năm 2022, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27 về "Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh" với mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Cũng trong năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2023, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025. Trong đó đặt mục tiêu xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết số 27 của Tỉnh uỷ, các địa phương trong tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín.
Tại huyện Quang Bình, người có uy tín, già làng, trưởng bản, đảng viên… không chỉ tiên phong trong mọi phong trào thi đua, họ còn trở thành những tuyên truyền viên giỏi cùng đồng bào các dân tộc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.
Thôn Thượng Bình nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cách xa nhất trung tâm xã Yên Thành, huyện Quang Bình với 65 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Pà Thẻn, số ít còn lại là dân tộc La Chí sinh sống.
Sau nhiều năm mong mỏi, chờ đợi, thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế bởi mang nặng tập tục lạc hậu như: Sinh nhiều con; tảo hôn, kết hôn cận huyết; đám cưới khao làng, tổ chức 2 - 3 ngày; người mất cho vào quan tài không đậy nắp, chọn ngày rồi mới đưa đi an táng và mổ nhiều gia súc... Những hủ tục đó tồn tại, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến cho đời sống bà con càng thêm vất vả, nhọc nhằn, thậm chí có những gia đình phải cõng trên vai món nợ cả cuộc đời chưa hết.
Anh Làn Văn Tả, Bí thư Chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Thành đã gương mẫu đi đầu trong cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục trên chính bản làng của mình.
Quyết tâm phải thay đổi, thông qua Tổ tuyên truyền xóa bỏ hủ tục của thôn, anh đã tập hợp cán bộ, đảng viên, những người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư đến gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước bài trừ hủ tục lạc hậu.
Bằng cách truyền đạt dí dỏm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, đến nay, các hộ không thách cưới cho con, sính lễ chỉ còn gà, rượu, gạo và một chút tiền mặt theo điều kiện kinh tế của nhà trai, đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Đối với dân tộc Pà Thẻn không còn tình trạng mở nắp quan tài và cho xem mặt người chết trước khi chôn.
Với sự vào cuộc quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản và sự chủ động, ý thức tự giác của nhân dân, xã Yên Thành có 8/8 thôn với 100% hộ dân ký cam kết thực hiện xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Mỗi tổ chức chính trị - xã hội xây dựng một mô hình hay trong bài trừ hủ tục. Tiêu biểu là mô hình xoá bỏ tình trạng tảo hôn tại thôn Pà Vầy Sủ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Thành; mô hình “3 không” của Đoàn Thanh niên; Câu lạc bộ Nghệ nhân dân gian giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; dòng họ Hoàng Viền, thôn Yên Lập xoá bỏ hủ tục.
Bên cạnh cải tiến trong việc cưới, việc tang, các gia đình tích cực tham gia lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm, di dời chuồng trại ra xa nhà, cải tạo, làm mới nhà vệ sinh và nhà tắm, đảm bảo môi trường sạch, đẹp, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Xã Hương Sơn từng là địa bàn khó khăn, nhiều hộ nghèo tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu của huyện Quang Bình. Nhờ sự tận tụy của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, xã Hương Sơn dần tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27.
Từ những chi phí quá lớn, tốn kém đến gần trăm triệu đồng, lễ nghi rườm rà trong việc tổ chức ma chay, cưới xin, đồng bào dân tộc Tày, Dao đã từng bước thay đổi nhận thức, ủng hộ và nghiêm túc chấp hành việc xóa bỏ hủ tục.
Hơn 1 năm qua, trên địa bàn xã có 26 cặp đôi kết hôn đúng độ tuổi, được cấp Giấy chứng nhận kết hôn tại UBND xã, lễ cưới diễn ra chỉ 1,5 ngày. Trong 7 đám tang đều không để quá 48 tiếng, các đoàn đến viếng không phải chờ theo thứ tự, số lượng cành hoa đã giảm.
Bên cạnh việc điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, xã xác định lấy lực lượng cán bộ cơ sở, người có uy tín làm nòng cốt trong cuộc chiến xóa bỏ hủ tục, quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ, trẻ em, nỗ lực giảm nghèo, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã triển khai tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 09-CT/TU, Nghị quyết số 27-NQ/TU và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Huyện Vị Xuyên xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị, xã hội đã không ngừng đổi mới hình thức đa dạng, phong phú. Riêng 6 tháng đầu năm, huyện đã tuyên truyền được 567 buổi, thu hút gần 34.600 người tham gia. Tổ chức các hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Các chương trình tuyên truyền với nội dung phong phú, đa dạng hình thức thể hiện. Tiêu biểu là hình thức sân khấu hóa cung cấp 3 nội dung: Kiến thức về xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; Hậu quả của việc phân biệt định kiến giới, bạo lực gia đình, các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; Giải pháp xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, xóa các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử 37 tin bài, 144 ảnh và các tin bài, phóng sự trên sóng phát thanh và cộng tác gửi Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Giang.
Kết quả, trong việc cưới đã từng bước thực hiện theo nếp sống văn minh, các thủ tục đã được rút gọn, đơn giản hóa, không nặng về lễ vật, phù hợp văn hóa từng dân tộc và các quy ước của thôn bản. Vận động hoãn hôn thành công 8 cặp chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn.
Việc tổ chức tang lễ đã được rút ngắn không quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc, một số nơi thống nhất không sử dụng vòng hoa và bức trướng. Các lễ hội truyền thống được tổ chức phong phú, tiết kiệm và đúng quy định.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làm chuồng trại nuôi nhốt, không thả rông gia súc. Vận động nhân dân giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước. Tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Sáu tháng cuối năm 2023, cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Ban Thường vụ Huyện ủy Vị Xuyên về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.
Chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào các dân tộc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống, đặc biệt là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn huyện.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, vận động. Xây dựng các mô hình điển hình trong dòng họ, thôn, tổ dân phố, chi, tổ hội không có tảo hôn, không có hủ tục lạc hậu, làm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Ban Chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân…
Tại huyện Mèo Vạc, nơi tồn tại hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, biến tướng từ tục kéo vợ, huyện đã xây dựng các mô hình điểm về xóa bỏ hủ tục ở các xã, thị trấn và thành lập tổ vận động ở tất cả các thôn.
Các tổ vận động phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, kịp thời nắm bắt, ngăn chặn hủ tục trong cưới xin. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã vận động được gần 80 cặp hoãn hôn do chưa đến tuổi trưởng thành, ngăn chặn hàng chục trường hợp hôn nhân cận huyết thống.