Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu.
Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thủ đoạn tội phạm trong các vụ án mua bán người không mới, nhưng phương thức đã có sự thay đổi. Ngoài hình thức gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người thường lợi dụng mạng xã hội, kết nối, tương tác để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân qua Facebook, Zalo, Viber.
Nhu cầu tìm việc làm chính đáng của nhiều người lại trở thành miếng mồi béo bở của những kẻ lừa đảo. Nguyên nhân khiến nhiều người mắc phải cái bẫy xuất cảnh ra nước ngoài với lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” chính là sự cả tin, thiếu cảnh giác. Sau đó tội phạm bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm, cưỡng bức lao động, ép kết hôn, đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Điển hình như vụ việc xảy ra ở Lai Châu mới đây. Tháng 6/2024, Công an tỉnh Lai Châu nhận được đơn trình báo của chị Lò Thị L về việc em gái tên Lò Thị P 17 tuổi, trú tại bản Ít Luông, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu bị nhóm người xấu lừa bán sang Myanmar.
Đến tháng 7, lực lượng chức năng phối hợp giải cứu thành công và đưa nạn nhân về Việt Nam an toàn. Sau khi được giải cứu, nạn nhân cho biết đã bị các đối tượng phạm tội dụ dỗ theo hình thức “việc nhẹ lương cao”.
Tháng 2/2023, Lò Thị P đi làm thuê tại TP Lào Cai. Do công việc không ổn định, P lên mạng xã hội tìm thông tin việc làm. Một người lạ liên hệ và hứa giúp thiếu nữ này tìm việc làm ở Myanmar với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Người này hướng dẫn, hỗ trợ P vượt biên, tìm đường đến nơi làm việc.
Khi đến Myanmar, nạn nhân bị người quản lý thu hết giấy tờ, bắt ép làm việc mà không được trả tiền. P định bỏ trốn thì bị quản lý ngăn chặn, đánh đập. Do không chịu nổi cuộc sống ở Myanmar, P đã tìm cách báo tin cho gia đình giải cứu.
Hay tại Hà Tĩnh, đầu tháng 7/2024, Công an huyện Kỳ Sơn tiếp nhận đơn tố giác của chị C.M.S sinh năm 1986, trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn về việc chị từng bị hai người là Moong Thị Xuyên và Lữ Thị Tuyên đưa sang nước ngoài bán lấy chồng.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của chị S, Tuyên dụ dỗ để chị S đồng ý sang nước ngoài lấy chồng. Sau đó, Tuyên đón xe đưa chị S ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi vượt biên trái phép bằng đường tiểu ngạch sang nước ngoài. Tại đây, cả hai được vợ chồng Moong Thị Xuyên đón và đưa về nhà.
Vợ chồng Xuyên đã bán chị S cho một người đàn ông bản địa làm vợ với giá 105 triệu đồng. Xuyên trả cho Tuyên 60 triệu đồng, số tiền còn lại, Xuyên tiêu xài cá nhân.
Đầu năm 2024, chị C.M.S. trốn về Việt Nam và tố giác hành vi mua bán người của Lữ Thị Tuyên, Moong Thị Xuyên đến Công an huyện Kỳ Sơn…
Trước tình hình tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, diễn biến khó lường, các cơ quan chức năng, chủ công là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, từng bước ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người.
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai phối hợp toàn diện, thực chất công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán ngườu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Trong đó, xác lập, đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án, vụ án mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia; xác minh, giải cứu nhiều nạn nhân bị mua bán.
Từ năm 2023 đến nay, hai lực lượng đã trao đổi trên 400 thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người; trong đó, 6 tháng đầu năm, hai bên đã trao đổi 333 thông tin, tình hình liên quan, tạo nguồn xác lập chuyên án chung, điều tra cơ bản tuyến, chuyên đề về mua bán người. Đã chỉ đạo nghiệp vụ phối hợp điều tra xử lý 29 vụ với 59 đối tượng, 56 nạn nhân.
Tại các địa phương, đã tiếp nhận 239 vụ với 4.488 công dân, phát hiện ngăn chặn 818 vụ với 3.774 công dân xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc. Qua công tác phân loại, sàng lọc, phát hiện 115 người bị nghi mua bán; khởi tố 106 vụ 252 đối tượng phạm tội mua bán người…
Công tác phối hợp được đánh giá rất hiệu quả, thúc đẩy công tác phòng, chống mua bán người. Điển hình như Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp xác lập, đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia từ Huế, Hà Nội lên Lào Cai sang Trung Quốc. Thông qua công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trinh sát phát hiện hoạt động mua bán ngườu dưới 16 tuổi và môi giới mại dâm núp bóng massage, karaoke... do nhiều đối tượng điều hành trong một thời gian dài tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, giải cứu 3 nạn nhân.
Thời gian qua, công tác truyền thông, đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người được đẩy mạnh. Công tác tiếp nhận hồi hương, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hợp tác quốc tế được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Bên cạnh đó, đã huy động được sức mạnh cộng đồng, nguồn lực xã hội hoá, tạo nên sức mạnh tổng hợp....
Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ 1/7 đến 30/9/2024), Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm tiếp tục triển khai quyết liệt, tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp; tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quyết không để tội phạm mua bán người câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.