Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hoà và các huyện đã ban hành nhiều văn bản về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời định hướng các hợp tác xã và người dân làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội/nền tảng số.
Theo đó, các địa phương của tỉnh đã tăng cường ứng dụng nền tảng số nhằm quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Trên địa bàn huyện Khánh Sơn, thị trần Tô Hạp đang thu hút du khách đến tham quan, khám phá với mô hình du lịch cộng đồng. Đây là mô hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm với các nông sản sạch do một nhóm bạn trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện sáng lập.
Ban đầu triển khai, mô hình gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các bạn trẻ đã biến khó khăn thành những trải nghiệm du lịch mới và hoang sơ; đồng thời kết nối với các nhà vườn áp dụng công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại trong trồng trọt, mang đến cho du khách những sản phẩm nông sản sạch. Nhóm cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh quê hương Khánh Sơn đến với cộng đồng yêu du lịch thông qua các mạng xã hội như Facebook và TikTok Khanh Son Eco.
Năm 2020, ông Cao Văn Huy ở huyện Khánh Vĩnh khởi nghiệp từ việc mở cửa hàng bán nông sản địa phương tại thị trấn Khánh Vĩnh với mong muốn giúp tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tới người dân trong và ngoài tỉnh nhưng chưa được nhiều người biết đến. Năm 2023, ông đầu tư các trang thiết bị, thành lập fanpage riêng để tự livestream quảng bá sản phẩm. Nhờ đó doanh thu của cửa hàng tăng vọt, ông đã mở thêm các điểm bán hàng tại thị trấn Diên Khánh và TP Nha Trang.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh Khánh Hoà đang được quảng bá và mua bán trên Sàn thương mại điện tử Khánh Hòa (http://khanhhoatrade.gov.vn/) góp phần tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy kinh tế số tại địa phương.
Huyện Khánh Vĩnh cũng chú trọng từng bước khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hình thức bán hàng trên các trang mạng xã hội nhằm góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” của nông sản.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp tham gia chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới; tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.