Theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Thời gian qua một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NN&PTNT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao.

Việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Cụ thể, việc sử dụng Internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết; kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn…

Tạp huấn chuyển đổi số cho nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Vừa qua, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công ty giải pháp thời tiết WeatherPlus tổ chức các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà.

Nội dung được truyền tải tại các buổi tập huấn sẽ giúp bà con và các doanh nghiệp thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất nông sản (rau, quả, chè,...), thủy sản chủ lực của tỉnh.

Các hộ dân tham gia buổi tập huấn chuyển đổi số.

Số hóa các dữ liệu thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, nông thôn mới, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp; công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao; canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh; tế bào quang điện; sử dụng người máy (rô bốt) cho việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi; sử dụng các thiết bị bay không người lái và các vệ tinh; ứng dụng công nghệ tài chính phục vụ trong tất cả hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Nghi Xuân đặt ra các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp công tác phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh được chú trọng. Các sản phẩm chủ lực được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bảo hộ các sản phẩm nông sản sẽ được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế, do đó cần có sự phối hợp của các Sở, Ngành, đơn vị, các doanh nghiệp và nhân dân cùng vào cuộc để hình thành tư duy, nhận thức mới trong sản xuất, từng bước thực hiện chuyển đổi số, góp phần gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho mọi tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói riêng và quá trình chuyển đổi số nói chung của tỉnh Hà Tĩnh.

Phạm Thị Thiện, Đỗ Hữu Duyên, Nguyễn Thị Diệu Bình