Thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đã thể hiện tốt vai trò, sứ mệnh là trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến nắm 2030 là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ để có năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa.
Cơ hội, tiềm năng và thách thức đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình
Với vị trí địa lý có 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển, nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, tỉnh Thái Bình là một vùng đất phì nhiêu, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn:
- Về nguồn lực đất đai: Đất nông nghiệp toàn tỉnh hiện có 107.792ha. Với tốc độ thu hồi đất nông nghiệp hiện nay cao gấp 3 lần giai đoạn 2011 - 2020 thì đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp vẫn còn khoảng 97.800ha, chiếm 61,65% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Đây là một nguồn lực lớn, rất có giá trị và là tiềm năng lớn cho phát triển nông - lâm - thủy sản, cần có chiến lược cụ thể để khai thác hiệu quả hơn, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội, tạo cơ sở phát triển nông nghiệp lên tầm cao mới.
- Về nguồn nhân lực: Quy mô dân số nông thôn hiện chiếm đến 89,5% dân số toàn tỉnh. Với tốc độ đô thị hóa cao hơn hiện tại thì trong 10 năm tới, dân cư nông thôn vẫn còn chiếm từ 55% đến 60% dân số; lao động nông nghiệp còn ở trạng thái dư thừa về số lượng khoảng 20% - 30%, lại có chất lượng thấp, đa số đã lớn tuổi, sẽ là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nếu biết chú trọng khai thác, đây cũng là nguồn lực, là tiềm năng to lớn của nông nghiệp, nông thôn, tạo ra cơ sở để phát triển và ổn định xã hội.
- Về cơ sở vật chất, nguồn lực cho phát triển: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong nhiều năm qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã huy động được nguồn lực vật chất to lớn cho khu vực nông thôn, tạo lập hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa nông thôn. Các công trình này đã tạo ra những năng lực mới trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội những năm tới và là nền tảng phát triển mới cho nông nghiệp, nông thôn nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung. Đây là tiềm năng rất lớn cần nhận thức rõ để tập trung phát huy, khai thác trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn cũng đóng một vai trò quan trọng và hết sức cần thiết. Thời gian qua, bên cạnh việc quan tâm thu hút các nguồn lực theo phương thức đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, tỉnh Thái Bình còn chú trọng giải quyết vấn đề vốn trực tiếp cho các hợp tác xã, tổ, đội sản xuất, hộ gia đình thông qua các cơ chế tài chính, vốn tín dụng và các nguồn hỗ trợ từ các chương trình khác.
Tiềm năng, cơ hội từ những xu hướng phát triển mới đối với nông nghiệp, nông thôn:
Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tiềm năng và cơ hội để cơ cấu lại các ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với thị trường vẫn khá rõ rệt, đồng thời, đây là xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình. Chuyển đổi hiệu quả theo các xu hướng này, cơ hội gia tăng mức tăng trưởng của nông - lâm - thủy sản là rất lớn. Cụ thể:
Một là, chuyển sang sản xuất hàng hóa buộc ngành nông nghiệp phải đi vào khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng các cây, con đặc sản với năng suất, chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có giá thành thấp (nhất là nếu tận dụng được các điều kiện thuận lợi về thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng, kinh nghiệm, cộng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thì cây trồng, vật nuôi sẽ phát triển tốt nhất với năng suất, chất lượng cao, chi phí thấp). Sức cạnh tranh của các sản phẩm đặc sản sẽ rất cao.
Hai là, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nông sản sẽ đi từ dinh dưỡng (phục vụ đại đa số cư dân - mức độ chấp nhận giá cả bình dân), đến dược liệu và nhân văn (phục vụ đối tượng tiêu dùng có mức thu nhập cao hơn, chấp nhận trả giá cao hơn, nhu cầu chuyên biệt hơn, ví dụ như sạch hơn, an toàn hơn, đẹp hơn, lạ hơn...). Mức độ chênh lệch giá trị sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu này so với nhu cầu thông thường rất cao. Xu hướng này tạo nên những tiềm năng, cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp những năm tới.
Ba là, kinh tế thị trường đang mở ra cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp tạo ra các giá trị mới, vượt trội, dù không đo đếm được bằng các tiêu chí thông thường, nhưng lại được xã hội và thị trường thừa nhận, như các giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ, giá trị môi trường, giá trị truyền thống, giá trị xã hội... Đây là một trong những xu hướng phát triển theo hướng gia tăng giá trị ngành nông – lâm - thủy sản trong tương lai.
Những khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, sức ép từ việc sử dụng các nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực và các cơ sở vật chất, tiền vốn của nông nghiệp, nông thôn còn kém hiệu quả.
Thứ hai, khó khăn, thách thức từ những đặc điểm cố hữu của các ngành nông - lâm - thủy sản (chịu sự tác động của tự nhiên, cung tăng đột biến, cầu thường xuyên có diễn biến bất thường dẫn đến được mùa, mất giá,...) làm giảm sức hấp dẫn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao có xu hướng di chuyển khỏi nông nghiệp, nông thôn.
Thứ ba, khó khăn từ vị thế của ngành nông nghiệp, thường bị động, bị “chèn ép” trong chuỗi giá trị, trong khi nông nghiệp là khởi đầu của chuỗi. Vai trò, vị trí các ngành nông - lâm - thủy sản chưa được chú trọng đúng mức, ảnh hưởng đến sự quan tâm, mức độ đầu tư của xã hội vào nông - lâm - thủy sản.
Thứ tư, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là ở hai huyện ven biển; do ô nhiễm môi trường của quá trình công nghiệp hóa và do thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa ở các huyện nội đồng...
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình gắn với đổi mới tư duy quản lý và phát triển
Thứ nhất, phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng sinh học, nguồn lợi tự nhiên theo lợi thế của từng địa phương.
Nông nghiệp là ngành khai thác nguồn lực tự nhiên và tiềm năng sinh học để tạo ra sản phẩm, gia tăng tốc độ tăng trưởng. Cụ thể:
- Khai thác nguồn lực tự nhiên không chỉ là khai thác nguồn lực đất đai theo hướng đất nào cây, con đó (cây, con phù hợp với đặc tính thổ nhưỡng của đất) mà quan trọng hơn là khai thác các nguồn lực tự nhiên về thời tiết, khí hậu; chế độ ánh sáng, chế độ nhiệt và chế độ mưa... Các yếu tố này đều do tự nhiên ban tặng và nếu biết tận dụng phù hợp thì sẽ là các yếu tố quan trọng góp thêm vào cấu thành giá trị sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ.
- Khai thác tiềm năng sinh học là khai thác đặc tính sinh học của cây trồng, vật nuôi về tính sinh tồn, về đặc trưng sản phẩm tạo nên cây trồng, vật nuôi có sức đề kháng, chống chịu ngoại cảnh, tạo sản phẩm có tính dinh dưỡng, dược liệu, nhân văn đặc trưng, tạo sự chênh lệch về thu nhập.
Theo hướng khai thác nguồn lực tự nhiên và tiềm năng sinh học nêu trên, Thái Bình tập trung vào phát triển cây lúa chất lượng cao ở các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Đông Hưng; cây thực phẩm, rau đậu ở các huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Đông Hưng; cây ăn quả ở Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư; cây dược liệu ở Hưng Hà, Vũ Thư; nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ ở Tiền Hải và Kiến Xương; chăn nuôi lợn, gia cầm theo mô hình trang trại, quy mô lớn ở Vũ Thư, Kiến Xương, Hưng Hà, Quỳnh Phụ,...
Trong các loại cây trồng, vật nuôi trên, các địa phương cần lựa chọn những giống cây, con phù hợp nhằm khai thác đất đai, nguồn nước và các chế độ thời tiết đặc trưng của tỉnh Thái Bình để nâng cao năng suất, khả năng tăng vụ của nông - lâm - thủy sản. Ví dụ, lựa chọn các giống thủy sản có thể nuôi trồng vào mùa lạnh, gia tăng hệ số sử dụng đất, nhất là đất mặt nước ven biển ở huyện Kiến Xương, Tiền Hải; các giống gia cầm chịu dịch bệnh, nhất là các dịch cúm gia cầm vào mùa đông; các giống củ quả, rau, đậu đặc sản ưa ấm, ưa lạnh...
Để thực hiện định hướng khai thác tiềm năng sinh học, nguồn lợi tự nhiên theo lợi thế của từng địa phương, tỉnh Thái Bình tập trung thực hiện một số giải pháp:
- Tiến hành rà soát, đánh giá nguồn lực đất đai (số lượng, chất lượng nông hóa, thổ nhưỡng...), nước, khí hậu, thời tiết...; đánh giá tính thích nghi, xác định cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất theo từng vùng. Lựa chọn 3 - 5 cây trồng, vật nuôi phù hợp, có tính chủ lực để xác định thành cây, con mũi nhọn trong nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.
- Xây dựng các vùng chuyên môn hóa theo cây, con mũi nhọn của từng địa phương trong tỉnh. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Tập trung hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp, trong đó khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, chú trọng các hợp tác xã sản xuất kiểu mới (khác với hợp tác xã dịch vụ sản xuất).
- Thu hút các nhà khoa học, trước hết là các nhà kinh tế, các kỹ sư thổ nhưỡng, khoa học cây trồng, vật nuôi tham gia vào đánh giá tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông – lâm - thủy sản.
Thứ hai, phát triển nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường theo hướng dinh dưỡng, dược liệu, nhân văn.
Sản phẩm nông - lâm - thủy sản trong nó chứa đựng các yếu tố dinh dưỡng (cung cấp dinh dưỡng nuôi sống con người), bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh (cung cấp các yếu tố dược liệu) và đáp ứng nhu cầu nhân văn, giao tiếp và tín ngưỡng. Ngày nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi trả các chi phí tăng thêm để nhận được các sản phẩm nông - lâm - thủy sản thỏa mãn các yêu cầu cao đó. Đây là các điều kiện cần và đủ để người sản xuất nếu nắm bắt tốt cơ hội sẽ có được thu nhập cao từ chính các hoạt động nông - lâm - thủy sản, vốn trước đây được coi là các ngành có thu nhập thấp, rủi ro cao.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng, dược liệu và nhân văn, tỉnh Thái Bình tập trung thực hiện các giải pháp:
- Cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở đánh giá nguồn lực, dự báo nhu cầu và bố trí các sản phẩm theo hướng đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng, dược liệu và nhân văn.
- Liên kết nông - lâm - thủy sản với các ngành du lịch, dược liệu, văn hóa,... để khai thác các giá trị dinh dưỡng, dược liệu, văn hóa, tâm linh đối với các sản phẩm nông nghiệp. Thu hút và kêu gọi các nhà khoa học tham gia đánh giá để có các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, qua đó, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, vừa khai thác tiềm năng, lợi thế, vừa đáp ứng xu hướng biến động của nhu cầu tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Quảng bá tiêu dùng sản phẩm theo xu hướng trên.
Thứ ba, phát triển nông - lâm - thủy sản theo chuỗi giá trị nông sản và theo hướng kết hợp với du lịch.
Phát triển theo chuỗi giá trị, kết hợp nông - lâm - thủy sản với các ngành phi nông nghiệp, trước hết là du lịch được xác định như là một trong các hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình những năm tới. Phát triển theo chuỗi tạo sự kết nối giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ nông sản, một mặt, giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định; mặt khác, tạo điều kiện nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, đồng thời tạo khả năng mở rộng phát triển các ngành công nghiệp, trước hết là tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến. Kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch, một mặt, tạo thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản có sức mua cao; mặt khác, tạo lập sản phẩm du lịch từ các hoạt động nông nghiệp, gia tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch. Tiềm năng tự nhiên về du lịch của tỉnh Thái Bình không nhiều. Tuy nhiên, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa với hệ thống các đình, chùa, đền, như chùa Keo, quần thể di tích lăng mộ nhà Trần, đền Tiên La, đền A Sào, đền Đồng Bằng, đền Bà Chúa Muối,... rất linh thiêng và hấp dẫn đối với khách du lịch. Khai thác hệ thống các điểm du lịch tâm linh cần có sự kết hợp với phát triển nông nghiệp, các làng nghề để phục vụ du khách về nhu cầu ẩm thực, hàng lưu niệm. Ngược lại, nông nghiệp có thể phát triển theo hướng khai thác du lịch, tận dụng các tour, tuyến khách du lịch tham quan các di tích để phát triển các hoạt động du lịch nông nghiệp.
Để thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cần quy hoạch phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ và xem xét đến khai thác du lịch, ví dụ, tại các vùng ven biển Tiền Hải, Kiến Xương về thủy hải sản, vùng ven sông của huyện Vũ Thư về hoa cải, cây ăn quả,... gắn với các tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh của hệ thống các đình, chùa, khu lăng mộ các vua Trần...
Bên cạnh đó, tổ chức giới thiệu sản phẩm, cung ứng nông sản cho du khách theo từng hoạt động nông - lâm - thủy sản gắn kết với du lịch. Ví dụ, vùng hoa cải Hồng Lý kết hợp giữa hoa cải, cây cải sạch và chế biến hạt cải thành cải mầm, nghiên cứu chế biến tinh dầu cải cay thành mù tạt cung cấp cho khách du lịch, gia tăng thu nhập (hiện vùng cải chủ yếu mới khai thác cảnh quan cho khách đến chụp ảnh). Muốn làm được điều đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, du lịch, thông qua liên kết chuỗi từ quy hoạch đến tổ chức triển khai quy hoạch. Tổ chức kết nối chuỗi nông sản, ngành hàng nông sản với các sản phẩm chủ lực trong tỉnh: lúa, cây thực phẩm, gia cầm, thủy sản. Ngành nông nghiệp quy hoạch vùng nguyên liệu, kết hợp với ngành công thương quy hoạch hệ thống chế biến và thị trường nông sản, tạo sự gia tăng sản phẩm nông - lâm - thủy sản và hình thành các cơ sở chế biến và tiêu thụ mới. Mặt khác, chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các vùng nông - lâm - thủy sản kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp.
Nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
- Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, tạo môi trường và tiếp thu các công nghệ cho phát triển nông - lâm - thủy sản của tỉnh, chú trọng: Công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; công nghệ trong phòng, trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị mới sử dụng trong nông nghiệp, công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
- Triển khai các đề án, dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, bao gồm các đề án, dự án có hoạt động triển khai thực nghiệm nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở quy mô sản xuất nhỏ; xây dựng mô hình và đầu tư sản xuất sản phẩm để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu...
- Xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung: 1- Xây dựng trung tâm thử nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 2- Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 3- Hình thành và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 4- Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
- Tích tụ và tập trung đất đai hình thành quỹ đất sạch cho xây dựng các khu, cụm nông nghiệp công nghệ cao.
- Thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh. Tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã khởi công hay đã được cấp phép đầu tư của tập đoàn Thaco, tập đoàn TH... Tiếp tục kêu gọi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh, tạo hạt nhân cho quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đồng bộ trong từng doanh nghiệp và phát triển tập trung thành khu, cụm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
- Giải quyết các vấn đề về chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; vấn đề vốn, thị trường cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phạm vi rộng và theo từng khâu, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế nông thôn.
Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình theo hướng văn minh, hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm trên phạm vi tỉnh, chuyên môn hóa theo phương châm “mỗi xã một sản phẩm”; gắn kết nông thôn với đô thị.
Để thực hiện định hướng nêu trên, các giải pháp chủ yếu là: Cơ cấu lại kinh tế nông thôn; khôi phục ngành, nghề thủ công truyền thống, hình thành các ngành, nghề mới; chú trọng quy trình, chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, nhận diện thương mại và chỉ dẫn địa lý; khai thác công năng các công trình kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới quy mô lớn, tạo sự chuyển biến về chất trong phát triển kinh tế nông thôn. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ sáu, định hướng và giải pháp phát triển khu dân cư nông thôn tỉnh Thái Bình.
Khu dân cư nông thôn tỉnh Thái Bình hiện nay đang mất dần phong cách kiến trúc nhà ở truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ do quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày một nhanh làm cho cấu trúc làng xã thay đổi và nếp sống có chiều hướng theo kiểu đô thị; kiến trúc công trình nhà ở, khuôn viên các ngôi nhà bị thu hẹp hoặc chia cắt, diện tích mặt nước, cây xanh ít dần đi... Các khu dân cư nông thôn mới gần các trục đường giao thông hay các cụm công nghiệp phát triển tự phát theo kiểu đô thị, có cấu trúc đường phố, nhà chia lô liền kề. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật không được quan tâm đầy đủ, làm cho môi trường nông thôn bị xâm hại nặng nề; chất lượng môi trường đất, nước, không khí bị suy giảm nghiêm trọng.
Để khắc phục bất cập nêu trên, cần làm tốt công tác quy hoạch; hướng dẫn xây dựng khu dân cư và nhà ở theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế, đời sống văn hóa của người dân nông thôn, phù hợp với cảnh quan chung và không làm phá vỡ không gian sinh hoạt cộng đồng; xây dựng các mô hình thí điểm khu dân cư nông thôn kiểu mẫu để từ đó nhân rộng.
Theo đó, trong công tác quy hoạch, phải dự báo được quy mô, hình thái phát triển lâu dài, hợp lý của mỗi điểm dân cư trong mối quan hệ giữa các điểm dân cư với vùng xung quanh về mọi mặt, như kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng y tế, giáo dục; phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, địa phương. Các cơ quan, đơn vị được giao tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải dự báo được quy mô phát triển dân số và nhu cầu xây dựng các loại công trình trong quá trình quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Phải quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, bố trí các công trình xây dựng, như nhà ở, công trình dịch vụ gắn với các thiết chế văn hóa thôn, làng, các khu vực bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử hoặc di tích văn hóa; cảnh quan môi trường xung quanh phải bảo đảm phù hợp và ổn định lâu dài.
Xây dựng, phát triển khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu phải có quy mô, không gian hài hòa với phong cảnh nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, trên cơ sở khai thác và phát huy có hiệu quả các quỹ đất thuận tiện về giao thông, có kết nối thuận tiện với các thiết chế thôn, làng hiện có, ưu tiên diện tích dành cho công trình công cộng, đất cây xanh, có khu chức năng phục vụ sinh hoạt cộng đồng.../.
TS. NGÔ ĐÔNG HẢI - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Theo Tạp chí Cộng sản