Hội nghị nhằm đẩy mạnh kết nối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đại diện ba tỉnh cho biết trong điều kiện hội nhập, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương, nhằm khai thác lợi thể tiềm năng đưa ngành du lịch phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương.
Liên kết vùng, liên kết chuỗi nhằm hợp lực phát triển các sản phẩm du lịch "đặc sản" từng nơi là một trong những giải pháp quan trọng để nâng tầm du lịch khu vực và mỗi địa phương.
Thị trường khách du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường khách nội địa tiềm năng, chiến lược đối với Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định. Điều này dựa trên sức hút của các loại hình du lịch sinh thái đối với khách du lịch miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hóa, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch độc đáo khác như du lịch di sản, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa-lễ hội, du lịch biển đảo...
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ thông tin, trong 8 tháng năm 2022, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút khoảng 30 triệu lượt khách tham quan, du lịch, với hơn 8 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
Các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị). Do đó, việc mở rộng kết nối và hợp tác với ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với các bên.
Văn Thường, Trần Sâm, Lan Anh