Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương, hầu hết các quốc gia, nhất là các nước lớn trên thế giới đều hướng hoạch định chính sách và hoạt động ra biển và đại dương, các hoạt động kinh tế biển quốc tế ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn.

Tuy nhiên, các yếu tố về an ninh hàng cũng ngày càng gia tăng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải của thế giới và khu vực Biển Đông, nhất là vấn nạn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên biển, mặt khác, nguy cơ khủng bố ngày càng ảnh hưởng tới sự phát triển của thương mại hàng hải trên thế giới và khu vực.

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu thô và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ.

W-Vantaibien.png
Các hoạt động kinh tế biển quốc tế ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn.

Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng biển qua Biển Đông.

Việt Nam, Thái Lan, Philippine, Malaysia, Campuchia, Singapore, Indonesia, Brunei là những quốc gia thuộc khối ASEAN có đường biên giới tiếp giáp với Biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Úc là 40%.

Đối với Việt Nam, là quốc gia có tiềm năng về vận tải biển với hơn 3260km đường bờ biển, nằm trong khu vực nơi tuyến hàng hải thế giới sôi động chạy qua. 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông. 

Nhận thức được tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông, tại Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 11, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã kêu gọi các nước tăng cường hợp tác hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 45 (MTWG 45), Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN đã thông qua một số văn kiện hợp tác chung mang lại lợi ích cho khu vực như: Những bản hướng dẫn về cảng thông minh, ý tưởng phát triển năng lực của nhà điều hành VTS giai đoạn 5, dự thảo cuối cùng về hướng dẫn hiệu suất của các bến container trong khu vực ASEAN….

Trong tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) cũng nhấn mạnh việc xây dựng “thói quen hợp tác” trong lĩnh vực hàng hải. Để cụ thể hóa tầm nhìn này, Diễn đàn Cảnh sát biển Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia năm 2022 đã thành công với việc ký kết Tuyên bố của Lực lượng Bảo vệ bờ biển ASEAN.

Không chỉ các quốc gia trong khu vực, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng rất quan tâm về vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Các học giả nhấn mạnh, an ninh, an toàn hàng hải cần được quản lý bởi luật pháp quốc tế, khu vực, quốc gia, các quy định và các hướng dẫn liên quan. an ninh, an toàn hàng hải được hiểu bao gồm bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, duy trì hòa bình và trật tự, đảm bảo an toàn và bảo vệ tàu, hành khách, thủy thủ đoàn, hàng hóa, tài sản và môi trường.

Hiện nay, an ninh, an toàn hàng hải tiếp tục bị đe dọa theo nhiều cách thức như khủng bố, vận chuyển vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn ma túy, di cư bất hợp pháp, cướp biển và cướp có vũ trang.... Các mối de dọa đến an ninh, an toàn hàng hải thường có tính chất xuyên quốc gia, trong khi các công cụ, nguồn lực để kiểm soát thường bị giới hạn ở phạm vi quốc gia.

Những thách thức này làm nổi bật giá trị của hợp tác quốc tế về an ninh, an toàn hàng hải để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và cần thiết phải có cách tiếp cận phối hợp chặt chẽ. Vì vậy, phân tích các cơ sở pháp lý về an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông như Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC)... là việc làm cấp thiết.

Nhóm PV