Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận nhiều vụ việc liên quan tới săn bắt, mua bán và vận chuyển động vật hoang dã. Trước đó vào tháng 5/2023, lực lượng chức năng đã nhận được tin báo của người dân tại xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa về việc có đối tượng sử dụng xe mô tô đi săn, bắt, vận chuyển động vật rừng. Ngay lập tức, Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng với Công an xã Tân Thịnh tiến hành kiểm tra và bắt quả tang các đối tượng này đang có hành vi săn, bắt và vận chuyển động vật hoang dã.

Tang vật thư giữ gồm: 03 cá thể Rắn hổ mang thường, trọng lượng 2,5kg; 03 cá thể Dúi với tổng trọng lượng 3kg, đều thuộc động vật rừng thông thường. Các đối tượng bị xử phạt hành chính. Số cá thể động vật thu giữ được đã chuyển thả về môi trường tự nhiên.  Sau khi thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ sẽ tiếp tục theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn.

406278632 1888281551567009 4705901680595288796 n.jpg
Một cá thể động vật hoang dã được thả về tự nhiên. Ảnh: Khương Thắng. 


Cùng thời gian này, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành xứ lý vụ việc xét xử ông Ngô Văn Quân nguyên Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên về hành vi giết hổ nấu cao. Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại nhà ông Quân 1 cá thể hổ bị giết mổ để nấu cao cùng nhiều tang vật liên quan gồm: 1 cá thể hổ đông lạnh, 1 xương đầu hổ, 2 bộ da hổ, 4 chi hổ, 16 túi thịt hổ, 1 đầu sơn dương đông lạnh. Tiến hành khám xét nơi ở của ông Ngô Văn Quân tiếp tục phát hiện 1.578 gói cao thành phẩm, 21 lọ thủy tinh đựng mật gấu. Sau đó, đối tượng Quân đã bị xét xử 36 tháng tù giam về tội  về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn vẫn còn tình trạng một số người dân thiếu hiểu biết tự ý mua bán, nuôi, nhốt một số loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trái quy định của pháp luật, trong đó có việc nuôi, nhốt động vật nguy cấp, quý, hiếm để làm cảnh.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên tăng cường việc thanh tra, giám sát các cơ sở nuôi gây động vật hoang dã và tăng cường tuần tra, giám sát các hoạt động săn bẫy động vật hoang dã trong rừng tại Khu bảo tồn ATK và Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của động vật hoang dã gây nuôi. Tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về các quy định bảo vệ động vật hoang dã như Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2021/NĐ-CP, Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Nghị định 64/2019/NĐ-CP, Nghị định 35/2019/NĐ-CP, Bộ Luật Hình sự năm 2015…
 Năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương trong tỉnh hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật về phòng chống tội phạm đa dạng sinh học. Tổ chức quán triệt phổ biến các văn bản nhằm nâng cao nhân thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. 

Các địa phương trong tỉnh truyền thông về phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, đấu tranh phê phán cá hành vi gây tác động xấu tới môi trường. Bài trừ thói quen, sở thích sử dụng các loài hoang dã làm trang sức, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Công khai thông tin về kết quả xử lý tội phạm về đa dạng sinh học để làm gương cho cộng đồng. Đồng thời, tuyên dương khen thưởng gương điển hình trong phong trào phòng, chống tội phạm và các hành vi liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học. 

Các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên sâu cho các cán bộ làm công tác quản lý,  bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng kỹ thuật mới vào công tác giám sát đa dạng sinh học. Triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện và xử lý tội phạm đa dạng sinh học. 
 Hà My