Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình, công nghiệp được coi là ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực. Vì vậy, thời gian qua, Hoà Bình đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp - dịch vụ và đạt được những kết quả tích cực. 

Tỉnh có 8 khu công nghiệp được bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước theo Văn bản số 2350/TTg-KTN ngày 31/12/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành khảo sát thực tế một số huyện, thành phố có quỹ đất và khả năng thu hút các nhà đầu tư.

Kết quả đến nay đã thống nhất, đề xuất tích hợp bổ sung mới 4 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bảo Hiệu, Khu công nghiệp Yên Thịnh, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Phong và Khu công nghiệp Cao Sơn tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc, tổng diện tích quy hoạch 1.493ha vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó nâng tổng số quy hoạch trên địa bàn tỉnh lên 12 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.000ha.

Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 866.605ha. Có 16/21 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích 683.225ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt 4.862.458 tỷ đồng.

Đến nay, Khu công nghiệp Lương Sơn và Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà đã cơ bản đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. 5 khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng là Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch, Mông Hóa. Các Khu công nghiệp Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà có khu nhà ở công nhân, lao động.

Công nhân làm việc tại Công ty Dệt kim Hoà Bình.

Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư một số công trình thiết yếu tại Khu công nghiệp Mông Hóa, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Lạc Thịnh. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch với tổng diện tích 248,75ha tại các Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà, Lạc Thịnh, Yên Quang, Mông Hóa và đang triển khai quy trình, thủ tục giải phóng mặt bằng khoảng 105ha Khu công nghiệp Nhuận Trạch; 70ha Khu công nghiệp Mông Hóa và 30ha Khu công nghiệp Yên Quang.

Tính đến tháng 8/2022, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp gần 1.250 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 227,85 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 354,115 tỷ đồng, vốn của chủ đầu tư hạ tầng 667,095 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu các cụm công nghiệp tại thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn với tổng vốn đầu 501,444 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 58 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 34.188 tỷ đồng, vốn của chủ đầu tư hạ tầng 409.256 tỷ đồng). Qua đó đã triển khai được các hạng mục quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải tập trung...

Những năm gần đây, hoạt động thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp có nhiều khởi sắc. Các dự án đầu tư thứ cấp tại các khu, cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Riêng 5 khu công nghiệp có nhà đầu tư thứ cấp từ năm 2021 đã thu hút  21 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,5 triệu USD và 4.953,6 tỷ đồng. 

Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh là 107 dự án, trong đó, 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 519,33 triệu USD và 82 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 15.795 tỷ đồng. 

Từ đầu năm đến hết tháng 4/2023, doanh thu của doanh nghiệp khu công nghiệp ước đạt 7.017 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch năm, giá trị xuất khẩu đạt 267,04 triệu USD, đạt 34,68% kế hoạch năm, nộp ngân sách nhà nước 96,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 507 lao động.

Việc sử dụng đất các khu công nghiệp khẳng định hiệu quả sử dụng đất với tổng doanh thu đạt 17.989 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 37,25%, nộp ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 690 triệu USD.

Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 2 vạn lao động, trong đó người địa phương chiếm khoảng 80%. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Giá trị xuất khẩu chiếm 51%, doanh thu (giá trị sản xuất công nghiệp) chiếm 33,72% giá trị của toàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Thu hút đầu tư đã, đang là giải pháp then chốt để tỉnh Hòa Bình nâng cao tốc độ phát triển kinh tế. Các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh. 

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình Chu Văn Thắng cho biết: Ban đã phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khảo sát, đánh giá, đề xuất, tích hợp phương án quy hoạch các khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2030 vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm  2050. Theo đó thống nhất đề xuất giữ nguyên 8 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, bổ sung mới 8 khu công nghiệp tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc và TP Hòa Bình với tổng diện tích quy hoạch 2.376,7 ha, nâng tổng số quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 16 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.857,06 ha. 

Trong thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư và giải pháp xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp nói riêng. Tập trung thu hút các dự án thân thiện với môi trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp nhiều ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động…

Thanh Minh