Trong đó chú trọng vào công tác tập huấn chính sách pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

W-che-ut-4.jpg
Các ngành, các cấp ở Phú Thọ đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp nhằm giúp người sử dụng lao động và người lao động nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động. 

Mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Phú Thọ đã tổ chức hội nghị tập huấn chính sách pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 200 học viên đến từ 90 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm chia sẻ gánh nặng, giúp người lao động được hưởng chế độ, chính sách khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 18 vụ tai nạn lao động khiến 18 người bị nạn, trong đó có 4 vụ tai nạn lao động gây thiệt mạng 4 người. 

Tất cả các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức điều tra kịp thời, chính xác, khách quan. Người lao động bị tai nạn lao động đều được hưởng chi trả từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kịp thời, đầy đủ.

Ðể chính sách nhân văn này được triển khai sâu rộng, các ngành, các cấp ở Phú Thọ đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Từ đó, giúp người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động.

Được biết, năm 2022, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Phú Thọ đã mở 9 lớp tập huấn nghiệp vụ chính sách pháp luật về an toàn lao động và hỗ trợ phòng ngừa chia sẻ rủi ro từ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại 9 doanh nghiệp với gần 1.000 cán bộ làm công tác ATVSLÐ, chủ sử dụng lao động và người lao động tham gia.

Tại các hội nghị doanh nghiệp và người lao động được cung cấp thông tin tổng quan về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ATVSLÐ; chính sách phòng ngừa và chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công tác tuyên truyền, huấn luyện, tư vấn hỗ trợ áp dụng các biện pháp phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ huấn luyện ATVSLÐ; chế độ chính sách chi trả cho người bị tai nạn lao động. Từ đó, trang bị kiến thức cần thiết về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động trong công tác đảm bảo an toàn lao động, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn lao động hàng năm trên địa bàn.

Đồng thời, in ấn, cấp phát tranh áp phích tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí về công tác ATVSLÐ, hướng dẫn thực hiện các chính sách về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Sở LĐ,TB&XH cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Ðồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy nhanh giải quyết các thủ tục trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giúp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và gia đình sớm vượt qua khó khăn, góp phần đưa chính sách của Ðảng, Nhà nước đi vào đời sống.

Lê Tuyết Nhung, Hoàng Tư Giang, Lê Anh Dũng