Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có hơn 6.759 hộ, 28.284 khẩu, sinh sống tại 102 thôn, bản của 18 xã, thị trấn thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Toàn vùng có diện tích tự nhiên 3.845km2, chung đường biên giới với nước bạn Lào dài 222km. Tỉnh có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều (có các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và Chứt (gồm tộc người Sách, Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng).
Khu vực cư trú của đồng bào phần lớn là vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh sống, sản xuất tương đối khó khăn, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp.
Tuy nhiên, với sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, cốt cán, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, công tác dân tộc đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, diện mạo vùng dân tộc, miền núi đã có nhiều khởi sắc.
Từ 2019-2024, tỉnh Quảng Bình đã huy động nguồn lực hơn 1.800 tỷ đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng...
Hiện trên địa bàn tỉnh, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia (tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 90%) và đường ô tô về trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa, có trường học, trạm y tế, phủ sóng phát thanh - truyền hình và mạng điện thoại di động.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với nguồn từ Mặt trận các cấp đã hỗ trợ làm mới hơn 965 nhà ở cho đồng bào…
Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán sản xuất, thâm canh lúa nước, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại. Số hộ đồng bào dân tộc làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng.
Các điểm trường được mở rộng đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, bán trú được đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào được chú trọng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân tại tuyến cơ sở.
Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được quan tâm, một số lễ hội truyền thống được khôi phục và phát triển. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, tăng cường. Chú trọng công tác phát triển đảng, đội ngũ người có uy tín đã phát huy tốt vai trò đoàn kết, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Đồng bào dân tộc thiểu số cùng với các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ cột mốc, đường biên, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Bình vẫn còn những khó khăn như mặt bằng dân trí thấp, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào còn cao so với bình quân chung của tỉnh, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao...
Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám sát thực tiễn, tỉnh sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên của từng địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng chương trình về kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và phát triển sản xuất của người dân.