Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 nâng diện tích lúa chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long 500.000ha, sản xuất 2 vụ/năm, tương đương 1 triệu hecta gieo trồng, sản lượng khoảng 6,2 triệu tấn lúa. Giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 30% lượng nước tưới.
Trong bối cảnh hiện nay, đề án cũng nhấn mạnh tới mục tiêu đưa tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình GAP và tương đương được công nhận đạt 80%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%. Tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa đạt 50%. Giảm 10% phát thải khí nhà kính. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam đạt 760.000 tấn, trong đó có 20% sản lượng gạo trong đề án.
Theo cổng thông tin Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ mong muốn nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia ngành nông nghiệp, các địa phương, các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo về dự thảo đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cơ sở để ban soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo PGS-TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia cao cấp nông nghiệp, cái chính của đề án là vấn đề tổ chức sản xuất gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó cái khó nhất của tổ chức lại sản xuất là ký kết với doanh nghiệp và HTX. Cần tổ chức tốt việc liên kết ngang và cần có cam kết của chính phủ, có chính sách riêng cho đề án này.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2022, sản lượng lúa của tỉnh đạt 4,4 triệu tấn, trong đó có 97,32% là lúa chất lượng cao, lúa chuyên canh, bên cạnh đó, có 109 ngàn ha liên kết tiêu thụ, tất cả đạt tiêu chuẩn Global gap và lúa hữu cơ. Tỉnh Kiên Giang mạnh dạn đăng ký sản xuất 200 nghìn ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để thực hiện thành công đề án này, cần có một cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp dành cho doanh nghiệp và nông dân như chính sách hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã tham gia liên kết; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa (được vay vốn ngân hàng phục vụ tiêu thụ lúa từ vùng liên kết, đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến); hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản phẩm trong nước và quốc tế; hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn carbon thấp; đầu tư kết cấu hạ tầng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu; chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ….
Kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh đề án này tích hợp tất cả các dự án của các tổ chức quốc tế đang triển khai. Đồng thời, đề án cũng phân ra thành nhiều giai đoạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu được tham gia.
Ban soạn thảo rà soát các cơ chế chính sách đã có, tích hợp lại, đề nghị Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Dự án nêu cao vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân, đào tạo năng lực sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Nam cũng cho rằng, để tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các vùng lúa chuyên canh chất lượng cao cần phải có thời gian, nguồn lực tổng thể, do vậy rất cần sự tham gia, liên kết, hợp tác của chính quyền địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các viện, trường… đảm bảo đủ nguồn lực về khoa học, kỹ thuật, vốn đầu tư nhằm nâng cao giá trị, thu nhập người dân, giúp người dân an tâm sản xuất, làm giàu từ sản xuất lúa gạo.