"Để không còn những tác phẩm nhiều lỗi ngớ ngẩn, không đáng có, tại 'cô đánh máy', để những cuốn sách sạch sẽ có nội dung tư tưởng đạo đức tốt tới tay bạn đọc thì vai trò của những biên tập viên vô cùng quan trọng", ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu.

Ngày 18/11, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Hội thảo "Công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới". Phát biểu tại Hội thảo, ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng BTV là "bà đỡ" cho những đứa con tinh thần, nghề biên tập đòi hỏi một bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn kiến thức sâu rộng, sự nhạy bén về mặt ngôn ngữ và khả năng cảm thụ tốt.

Nhưng trước sự nở rộ của người người, nhà nhà làm sách thì BTV đã trở thành một nghề khá phổ biến và không quá khó, quá sang, quá cao để những người trẻ vừa ra trường có thể có được chức danh này. Trước vấn đề đặt ra đó, theo ông Chu Văn Hoà, cần có một sự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với lực lượng BTV, từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp để xây dựng quy hoạch có tính chiến lược đối với lực lượng BTV.

Không thể đổ lỗi cho đánh máy

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hiện nay, có một hiện trạng là người biên tập chỉ là người nhận bản thảo, đọc bản thảo với mục đích sửa chữa lỗi chính tả, câu cú rồi đề xuất cấp giấy phép mà chưa làm đúng, chưa làm đầy đủ các quy định, quy trình biên tập, chưa có nghệ thuật biên tập và đặc biệt là lương tâm của người biên tập đối với bạn đọc và xã hội của mình.

{keywords}
Những lỗi sai thời gian gần đây rất nhiều

TS. Đỗ Quang Dũng – Phó Giám đốc, Phó TBT NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật nhìn nhận: "Trong nhiều năm qua, ở hầu hết các NXB, rất nhiều BTV và cả đến lãnh đạo đều có quan niệm rằng, chỉ khi sách bị cơ quan chức năng 'tuýt còi' do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng… thì mới đáng lo ngại, còn những kém cỏi vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, cả những va chạm rắc rối về bản quyền đều không đáng ngại, đều có thể biện minh do làm vội, do lỗi đánh máy". Cũng theo TS Dũng chính vì có những suy nghĩ sai lệch như vậy nên vài năm gần đây, sau khi mục "Dọn vườn" gần như không còn tác dụng và dọn không xuể, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã không chỉ có những quyết định thu hồi hay đình chỉ phát hành vì có vấn đề về nội dung mà còn có cả quyết định yêu cầu sửa chữa, đính chính lỗi sai.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó TBT Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bên cạnh những ưu điểm của đội ngũ BTV hiện nay như bằng cấp cao, sử dụng thành thạo các phần mềm máy tình và có khả năng ngoại ngữ thì nhiều BTV có kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành còn mỏng. Dù được đào tạo chính quy, bài bản nhưng chưa được trau dồi nhiều về kiến thức trong thực tiễn đời sống.

"Nhiều BTV vẫn có tư duy xa rời thực tiễn, ngại tiếp xúc với thị trường xuất bản, mắc "bệnh văn phòng", chưa nắm bắt được nhu cầu của xã hội, chưa đề xuất được các đề tài và tổ chức được các bản thảo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu xã hội. Trình độ chính trị vẫn còn non nên để ra nhiều sai sót liên quan tới nhạy cảm chính trị", ông Nguyễn Văn Tùng cho hay.

Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho rằng, BTV hay gặp phải sai sót trong những vấn đề có liên quan đến nội dung cấm trong Luật Xuất bản. Điều này, một phần xuất phát từ việc nhiều BTV còn trẻ tuổi nghề lẫn tuổi đời, non về nhận thức các vấn đề nhạy cảm, một phần là do những nội dung được cho là bị cấm lại được các tác giả viết khéo léo lồng trong nội dung tác phẩm hoặc hình ảnh; sai sót về kiến thức, chuyên môn. Một phần do BTV quá tải, một phần do BTV cẩu thả và phần lớn là do BTV thiếu năng lực thật sự.

Gỡ rối thế nào?

Theo ông Nguyễn Thành Nam trong thời đại ngày nay, khi mà BTV một không thể chỉ ngồi một chỗ chờ tác giả mang bản thảo tới cho mình biên tập, thì vai trò của BTV trong tổ chức bản thảo và làm việc với các cộng tác viên, tác giả, dịch giả là vô cùng to lớn. Nếu một BTV không có khả năng tổ chức bản thảo, không có ý tưởng hay tư duy về dàn trang, thiết kế bìa hay ý tưởng về kênh bán hàng, truyền thông thì khó lòng trở thành một BTV giỏi. Ông Nam đề xuất các BTV giỏi phải xem việc biên tập một cuốn sách từ đầu cho đến lúc đến tay bạn đọc như một nhà quản lý một dự án sách, và theo đuổi dự án sách đó đến cùng. Trong trường hợp này, BTV vừa có cái đầu sáng tạo, vừa có cái đầu quản lý của một nhà quản lý dự án.

Ông Chu Văn Hòa cho rằng, phải khen ngợi BTV, ghi nhận công lao đóng góp của những BTV kì cựu và có trách nhiệm với nghề, kể cả những người có đóng góp lâu năm, kể cả những người mới nổi. Sự ghi nhận của xã hội về ngạch bậc lương, giá trị cả hội và thậm chỉ cả với báo chí... thì chưa được ghi nhận đúng mức. Cho nên ông Hòa đề nghị người đứng đầu của các NXB có sự quan tâm, không chỉ đòi hỏi ở họ mà có sự động viên họ. 

Thêm vào đó, ông Hòa cũng yêu cầu các NXB thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các BTV. Cục sẽ đứng ra tổ chức lớp đào tạo ngắn hạn, nâng cao nghiệp vụ cho BTV của các NXB, ở đó, các BTV có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để ngày càng tốt lên.

T.Lê