Kể từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005 đến nay, các tỉnh ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.
Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.
Ở phần lớn các tộc người, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới. Đó là trường hợp của các tộc người như Gia Rai, Ê Đê Kpah, Ba Na, Xơ Đăng, Brâu, Cơ Ho... Song, có những tộc người thì cả nam lẫn nữ đều có thể sử dụng, như Mạ, M’Nông. Riêng một số ít tộc người như Ê Đê Bih thì chỉ có nữ giới mới được chơi cồng chiêng.
Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Từ chủng loại, phương pháp kích âm, biên chế và thang âm cho đến hệ thống bài bản và nghệ thuật diễn tấu, chúng ta sẽ bắt gặp những gì của một dải nghệ thuật đa diện từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ đơn tuyến đến đa tuyến... Trong đó bảo lưu cả những lớp cắt lịch sử của tiến trình phát triển âm nhạc từ thời kỳ sơ khai. ở đây, mọi giá trị nghệ thuật đều nằm trong mối quan hệ tương đồng và dị biệt, xác định cá tính vùng miền của nghệ thuật. Và, với sự phong phú, độc đáo và đa dạng từ toàn bộ đến từng phần, có thể khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là "tiếng nói" của con người và của thần linh theo quan niệm "vạn vật hữu linh".
Ngày nay, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung đã và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng… làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường; quá trình đô thị hóa nhanh và sự ảnh hưởng của tôn giáo; đồng thời những người biết văn hóa cồng chiêng ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa cồng chiêng, rừng bị tàn phá, không gian canh tác nương rẫy bị thu hẹp, bến nước bị khô hạn, nhà dài truyền thống đang bị thay thế bằng nhà bê-tông… khiến cho văn hóa cồng chiêng đang bị mai một dần. Ở nhiều địa phương, buôn làng cồng chiêng không còn ý nghĩa linh thiêng, cuộc sống của một bộ phận đồng bào còn gặp khó khăn dẫn đến đem cồng chiêng đi bán, trao đổi, phục vụ cho các mục đích khác… Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng các địa phương sinh sống ở đại ngàn Tây Nguyên đang nỗ lực phát huy văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bởi chỉ khi du lịch cộng đồng phát triển thì văn hóa cồng chiêng mới được bảo tồn bền vững cho hôm nay và mai sau.
Đức Yên, Bích Hạnh, Ngọc Quý, Giao Linh, Thu Hằng