Đánh thức mọi tiềm năng phát triển

Tây Ninh đang trong quá trình thực hiện liên kết vùng mạnh mẽ, toàn diện hơn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững của địa phương, nhất là sau khi có Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian qua, tỉnh đang nỗ lực đánh thức mọi tiềm năng phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra là đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Chủ động kết nối liên vùng phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút giới doanh nhân, mời gọi doanh nghiệp về địa phương là cách mà tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực thực hiện để đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội.

Tây Ninh hiện xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực khai thác lợi thế của tỉnh gồm: dệt may, chế biến nông sản (mía, mì,...), sản xuất các sản phẩm cao su và plastic, da giày, các sản phẩm kim loại.

khucongnghiep.jpg

Các dự án đầu tư cũng có xu hướng gia tăng các yếu tố về công nghệ và tự động hoá. Ngành nghề công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày được tạo điều kiện phát triển. Ngành công nghiệp chế biến mía, khoai mì, cao su được khuyến khích cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng cao hơn.

Năm 2030, đưa Tây Ninh trở vào nhóm 20 tỉnh có GRDP cao nhất cả nước 

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, tỉnh Tây Ninh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững, để công nghiệp trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Tây Ninh trở vào nhóm 20 tỉnh có GRDP cao nhất cả nước vào năm 2030.

Thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường, qua đó thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công, chế biến thô sang chế biến sâu.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh Tây Ninh đưa ra những định hướng phát triển tổng thể ngành công nghiệp cụ thể như: Cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở rộng thêm một số khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo hướng công nghiệp - đô thị, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, thị trường ổn định. Đa dạng hoá thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư uy tín, công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.

Tiếp tục khai thác tiềm năng điện mặt trời đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện; giám sát, đôn đốc việc xây dựng kết cấu hạ tầng điện theo quy hoạch, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu, cụm công nghiệp tập trung và mỗi khu công nghiệp tập trung phải được xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép xả thải ra nguồn tiếp nhận.

Để thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị chính quyền phải hành động với tinh thần doanh nghiệp để tạo sức bật cho các doanh nghiệp ở địa phương, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số để cải thiện môi trường chính sách và hành chính quản trị và dịch vụ công, tiếp tục cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI Index, PAPI, PAR Index và ICT Index lên mức cao trong vùng và cả nước.

Hoà Thành