Song song với việc chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống y tế thông qua mô hình bệnh viện dã chiến, mở rộng năng lực cách ly tập trung tại các khu ký túc xá và hệ thống lưu trú đủ điều kiện, đồng thời tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ vào giám sát cách ly tại nhà như phần mềm Smart City của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng vệ từ xa bằng cách tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; cách ly tập trung người nhập cảnh với người tới từ các vùng dịch,...
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm xác định “chống dịch như chống giặc”, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. |
Trên mặt trận kinh tế, hàng loạt các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Cụ thể, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; đề xuất chính sách tín dụng phù hợp, sử dụng gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, không tính lãi phạt chậm nộp.
Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh lãi suất từ ngày 17-3-2020, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) giảm 0,25% - 0,3%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước, phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản; có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Văn Giáp