Trong một cuộc họp trực tuyến diễn ra gần đây, Kaspersky cho biết tấn công ransomware có chủ đích là vấn nạn của năm 2020. Loại tấn công này không chỉ lấy cắp dữ liệu của công ty hoặc tổ chức, mà đe doạ làm mất uy tín để buộc nạn nhân phải trả tiền chuộc.
Ông Vitaly Kamluk, Giám đốc Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu (GReAT) khu vực APAC của Kaspersky tiết lộ rằng ít nhất 61 tổ chức trong khu vực đã bị một nhóm tin tặc tấn công có chủ đích trong năm 2020. Úc và Ấn Độ ghi nhận số vụ tấn công cao nhất trên toàn APAC.
Trong một số trường hợp, nhóm hacker ransomware Maze đã nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công và công bố dữ liệu bị đánh cắp từ nạn nhân là những công ty này.
Maze là một trong những nhóm tin tặc hoạt động tích cực nhất và gây thiệt hại nhiều nhất. Những nạn nhân đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 năm 2019, khi Maze làm rò rỉ 700MB dữ liệu nội bộ của một tổ chức.
Nhiều vụ tấn công khác đã diễn ra sau đó, và trong vòng một năm, Maze đã tấn công ít nhất 334 doanh nghiệp và tổ chức. Đây là một trong những nhóm tấn công đầu tiên sử dụng “chiến thuật gây áp lực”. Nhóm hacker đe dọa nạn nhân rằng sẽ công khai những dữ liệu nhạy cảm nhất nhờ việc đánh cắp từ hệ thống của doanh nghiệp và tổ chức lên trang web của nhóm tấn công.
“Tấn công này ảnh hưởng đến danh tiếng của tổ chức bằng hành vi đe dọa tiết lộ dữ liệu nhạy cảm, đồng thời ảnh hưởng đến bảo mật mạng của công ty”, ông Kamluk nói.
Một cuộc khảo sát gần đây do Kaspersky thực hiện đã chứng minh quan điểm của Vitaly. Kết quả cho thấy 51% người dùng ở APAC đồng ý rằng danh tiếng trực tuyến của một công ty là điều cần thiết. Gần một nửa (48%) khẳng định rằng họ sẽ tránh mua hàng của những công ty dính líu đến bê bối hoặc có tin tức tiêu cực trên mạng.
Phía Kaspersky cho rằng một vụ tấn công ransomware thành công gây ra khủng hoảng truyền thông và có thể gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức, trên cả thế giới trực tuyến và ngoại tuyến. Ngoài tổn thất tài chính, việc hồi phục danh tiếng của tổ chức là nhiệm vụ khá khó khăn.
Đại diện Kaspersky đề xuất những biện pháp bảo vệ như: đi trước tin tặc bằng cách sao lưu dữ liệu, mô phỏng các cuộc tấn công, chuẩn bị kế hoạch hành động để khắc phục hậu quả.
Đồng thời, triển khai các cảm biến ở mọi nơi để giám sát hoạt động phần mềm trên các thiết bị đầu cuối, ghi lại lưu lượng, kiểm tra tính toàn vẹn của phần cứng.
Bên cạnh đó, không bao giờ làm theo yêu cầu của tội phạm mạng. Kết hợp đào tạo nhân viên khi làm việc từ xa pháp chứng kỹ thuật số, phân tích phần mềm độc hại cơ bản, quản lý khủng hoảng truyền thông.
Hải Đăng