Dù có nhiều thành tựu, song thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.

Quyết tâm chính trị giảm nghèo càng mạnh mẽ hơn nữa khi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Vùng "lõi nghèo" thường là địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, giảm nghèo thiếu bền vững, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng tăng lên.

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo cho hay, hiện nay, vùng lõi nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm trên 57% số hộ nghèo của cả nước. Với rất nhiều nỗ lực, bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước chuyển biển tích cực. Tuy nhiên, đến nay vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn cứ là vùng “lõi nghèo”, vùng khó khăn nhất của cả nước.

Hiện nay, thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực, tỷ lệ dân số là người DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 57,16 % tổng số hộ nghèo của cả nước.

Để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của các "vùng lõi nghèo" trên toàn quốc, Đảng, Nhà nước đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững. 

Để tập trung giải quyết vấn đề “lõi nghèo”, Chương trình trong giai đoạn này đã được thiết kế với các dự án, nguồn lực ưu tiên cho các vùng này. Tôi sẽ đề cập tới một số nội dung trọng tâm.

Chương trình dành 3/7 dự án đầu tư cho vùng “lõi nghèo” - các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nội dung hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa như hạ tầng giao thông, điện, dịch vụ viễn thông; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các dự án còn lại thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nguồn lực được bố trí ưu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và các tỉnh có huyện nghèo.

Tiêu chí huyện nghèo là cơ sở để phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường, với doanh nghiệp tiêu thụ/bao tiêu sản phẩm đầu ra; ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Tập trung hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Điều quan trọng hơn cả là, bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả, việc tăng cường các chính sách khuyến khích người nghèo tại các vùng lõi nghèo vươn lên thoát nghèo cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Hải Vũ