Nội dung này được đặt ra trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi vào chiều 27/5.

Lần đầu tiên Thứ trưởng Công an làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho biết, hiện trong công an nhân dân vẫn còn 6 vị trí hàm cấp tướng còn thiếu so quy định.

Từ việc tổ chức bộ máy của Bộ Công an sau khi sắp xếp, kiện toàn từ 2018 đến nay và theo yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 vị trí mang hàm cấp tướng. Trong đó có 1 vị trí thượng tướng cho sỹ quan công an biệt phái được giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội. Hiện chức danh này do trung tướng Lê Tấn Tới đảm nhiệm. 

Đại biểu Vũ Huy Khánh. Ảnh: QH

Đại biểu Khánh cũng cho hay, từ khi thành lập Ủy ban đến nay 31 năm, qua nhiều khóa khác nhau thì nhân sự giữ vị trí này có sự khác nhau nhất định, nhưng những khóa gần đây người giữ chức vụ này chủ yếu là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng biệt phái sang và trước khi sang đã mang quân hàm thượng tướng theo vị trí của Bộ Quốc phòng. 

Còn khóa XV, lần đầu vị trí này giao cho một Thứ trưởng Công an. Khi nhận nhiệm vụ này ông Lê Tấn Tới mang quân hàm thiếu tướng, vừa rồi tháng 11/2022 được phong quân hàm trung tướng. 

Theo luật hiện hành chưa quy định chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh là sỹ quan công an nên chưa bảo đảm danh chính.

“Giữ chức vụ chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội nói chung, Ủy ban Quốc phòng an ninh nói riêng trong nhiều tiêu chí, trong đó có thể xếp tương đương với bộ trưởng nhưng luật hiện nay chưa quy định”, đại biểu Khánh phân tích thêm.

Đại biểu tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, vị trí này không hoàn toàn là chỉ dành cho sỹ quan công an mà việc này thuộc thẩm quyền phân công của Đảng và Quốc hội bầu. Vì vậy khi sửa Luật Sỹ quan quân đội nhân dân cũng cần thiết kế một quy định tương tự như vậy thì hoàn toàn hợp lý.

Không có quy định cứng nào 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) bày tỏ nhất trí sửa đổi, bổ sung thêm nội dung bổ sung thêm một vị trí có hàm thượng tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Theo bà Hoa, quy định này phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ quan trọng của chủ nhiệm phụ trách một lĩnh vực hết sức quan trọng là quốc phòng và an ninh.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng thông tin thêm, từ thực tiễn, Quốc hội khóa IX, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh là Trung tướng Đặng Quân Thụy; khóa X và XI là Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh; khóa XII, XIII là Trung tướng Nguyễn Kim Khoa, khóa XIV là Thượng tướng Võ Trọng Việt. Cả 4 nhân sự này đều bên quân đội biệt phái sang. Đến khóa XV là thiếu tướng Lê Tấn Tới biệt phái từ công an sang.

“Theo tôi nghĩ không có quy định cứng nào về việc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh phải là công an hay quân đội. Thực tiễn thời gian qua là hoàn toàn phù hợp với từng giai đoạn chứ không có vấn đề gì cả”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Hoàng Hà

Tuy nhiên, nữ đại biểu tỉnh Nam Định cho rằng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nếu là tướng từ bên công an sang trần phải là hàm thượng tướng thì sau này bên quân đội cần cân nhắc khi sửa luật cũng phải có quy định tương tự như thế để thống nhất.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh đề xuất Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách về quốc phòng an ninh phải có hàm đại tướng. 

“Tôi cho rằng đề xuất này có tính hợp lý của nó. Bởi rõ ràng, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng an ninh là cấp lãnh đạo của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, mà chủ nhiệm là thượng tướng rồi thì đương nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng phải ít nhất là thượng tướng, còn không phải là đại tướng như đại tướng Đỗ Bá Tỵ khóa XIV”, đại biểu phân tích.

Vì vậy, bà Hoa đề nghị bên quân đội sau này sửa luật thì cũng cần quy định tương ứng để đảm bảo tính cân đối, hài hòa.

Đại biểu Dương Văn Thăng (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về quy định trần hàm thượng tướng với chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh là chức danh bầu. Thực tiễn nhiều năm qua, chức danh này do bên quân đội đảm nhiệm, nhiệm kỳ này là công an.

“Trong cơ cấu hiện nay, nếu Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương là thượng tướng, giả sử Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng lên thượng tướng thì đề nghị tính toán thêm”, ông Thăng nói.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cũng bày tỏ đồng ý có thể quy định nhân sự đang giữ nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng mang cấp hàm thượng tướng nhưng với điều kiện phải xem xét luôn cấp bậc hàm của Phó Chủ tịch Quốc hội hiện đang phụ trách mảng này.

“Như anh Thăng nói, đồng chí Trần Quang Phương đang mang cấp bậc hàm thượng tướng, bây giờ nếu đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh với lý do chuyển từ Thứ trưởng Bộ Công an sang cũng được đưa vào trong luật quy định cấp bậc hàm thượng tướng thì có hợp lý không”, nữ đại biểu TP.HCM băn khoăn.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật quy định bổ sung 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí bổ sung 6 vị trí cấp tướng như trong tờ trình Chính phủ và dự thảo luật, trong đó có 1 vị trí có cấp hàm cao nhất là thượng tướng.

Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái khi được Đảng phân công và được Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất tiếp thu cho phù hợp.