Đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác PCCC & CNCH để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến việc đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực này. Quy định này nhằm đảm bảo thống nhất với quy định về hoạt động khoa học - công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu trong dự luật.
Ngày 1/11, nêu ý kiến tại hội trường hoàn thiện dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) nêu ý kiến về hoạt động PCCC đối với nhà ở. Đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh.
Theo đại biểu đoàn Sóc Trăng, những năm gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng. Do vậy, đòi hỏi Chính phủ cần phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình đã chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, điển hình là các vụ cháy tại quán karaoke, dịch vụ vũ trường vào những năm trước.
Đại biểu Tô Ái Vang dẫn nhận định của các chuyên gia, trong số các cơ sở karaoke, vũ trường đang hoạt động thì có đến 90% hoạt động trên cơ sở là các công trình được cải tạo từ nhà ở riêng lẻ. Theo quy định của Luật Xây dựng, việc cải tạo mà làm thay đổi công năng sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, an toàn cháy nổ và môi trường thì phải được cấp phép sửa chữa, cải tạo.
“Tuy nhiên, các công trình cải tạo để làm cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường hầu như không xin phép xây dựng, vì không xin phép nên bỏ qua các yêu cầu về PCCC cần tuân thủ.
Vì thế, dự thảo Luật PCCC & CNCH cần bổ sung quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh để đảm bảo cơ sở cho các cơ quan chuyên môn thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật”, đại biểu Tô Ái Vang nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thực tế những vụ cháy xảy ra khá nhiều thời gian qua chủ yếu do chập điện, hàn xì và liên quan nhiều đến công trình như quán karaoke, vũ trường. Do vậy, những nội dung liên quan đến nhóm đối tượng này cần phải được rà soát và quy định một cách chặt chẽ hơn để bảo đảm ngăn ngừa và thực hiện công tác PCCC.
Ngoài ra, theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, với điều kiện đô thị hiện nay, cháy nổ ở trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ và nhà cao tầng khiến lực lượng chức năng rất khó tiếp cận.
“Với nhà cao tầng, thiết bị chữa cháy chỉ lên đến tầng 17. Nghĩa là từ tầng 18 trở lên tiếp cận rất khó. Trong khi đó hiện nay chúng ta không có máy bay trực thăng chữa cháy như nhiều nước. Cho nên, để xử lý việc chữa cháy đối với các loại hạng mục này phải có được nghiên cứu kỹ hơn”, đại biểu Thành nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, theo các năm số lượng các vụ cháy không ngừng gia tăng. Đặc biệt là đám cháy xảy ra ở khu dân cư đông người ngày càng nguy hiểm khi dễ dàng lan rộng. Trong khi đó, để dập tắt đám cháy cần huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Do vậy, theo đại biểu, cần bổ sung thành tố kinh tế vào hậu quả của đám cháy.
Với quy định không bố trí phòng ngủ tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, theo đại biểu Dương Khắc Mai, cần xem xét lại yêu cầu này theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình phù hợp, vì chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.
“Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh đồng thời bố trí phòng ngủ, sinh hoạt của gia đình; người làm, nhân viên bảo vệ thường nghỉ trưa, nghỉ lại qua đêm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Do vậy, cần đánh giá thêm về số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong cả nước không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý cho phù hợp”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.