Áp lực lớn

Trong dự thảo luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ chính sách trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp chế độ thai sản 2 triệu đồng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, trợ cấp BHYT đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. 

Quá trình tổng hợp ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy có hai nhóm ý kiến.

Nhóm thứ nhất, thống nhất về việc cần thiết phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH, hạn chế việc hưởng BHXH một lần.

Thậm chí, một số ý kiến đề nghị tăng mức hỗ trợ, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; tăng mức trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Nhóm ý kiến thứ 2 đề nghị không lấy từ Nhà nước hỗ trợ mà lấy từ nguồn quỹ BHXH do người lao động đóng.

Trong tờ trình dự thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, để đạt được mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết 28, đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tương đương 29,4 triệu người; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người.

Tuy nhiên, đến hết 31/12/2022 mới chỉ có 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 5,1 triệu người.

Số người hưởng lương hưu ở nước ta còn rất thấp. (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, trong 6 năm tới phải tăng 25% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội tương đương 3,84 triệu người là áp lực rất lớn...

Cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng dẫn chứng bài học của Trung Quốc khi đạt tỉ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định BHXH bắt buộc và 40% đến từ quy định BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ Nhà nước. 

Tỉ lệ trung bình ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống BHXH của các nước khoảng 3%-4% GDP/năm.

Thực tiễn trong nước cũng chứng minh giai đoạn trước 2008 khi chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách Nhà nước, diện bao phủ BHXH luôn ở mức dưới 20% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, luôn ở mức 0,43% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Sau khi Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống, với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện được triển khai rộng, tỉ lệ bao phủ BHXH đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2022.

Trong đó tỉ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,18% gấp 7,39 lần so với trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 28. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ không thể đạt được mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 28.

Do vậy, cơ quan soạn thảo thống nhất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết 28.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội cần có sự hỗ trợ từ nguồn từ Nhà nước, còn quỹ BHXH về cơ bản là dùng cho những người tham gia BHXH bắt buộc theo chế độ đóng – hưởng.