Có lẽ chưa bao giờ, khái niệm “hàng xách tay” lại phổ biến như ở thời điểm hiện tại. Từ mạng ảo đến đời thực, bất cứ nơi nào, người ta cũng có thể dễ dàng tìm mua được những vật phẩm trong vỏ bọc kiêu hãnh “hàng xách tay” kèm lời quảng cáo có cánh.

Và đáng kinh ngạc hơn, không cần phải là những “tay to” ở phố Nguyễn Sơn, với những dịch vụ trọn gói đang nở rộ như nấm sau mưa, giờ đây, ai cũng có thể… đi buôn. 

Dịch vụ trọn gói, bán buôn tận cửa

Chúng tôi đã không thể tin nổi việc buôn bán hàng xách tay giờ đây lại dễ dàng đến vậy cho tới khi trực tiếp quan sát nhiều giao dịch mua bán. Người hướng dẫn chúng tôi - anh Khoa, vốn là một nhân viên văn phòng bình thường nhưng giờ được gọi vui là “trùm” cung cấp sữa Úc tại nơi mình công tác. Nhờ việc này, mỗi tháng anh cũng kiếm thêm được dăm bảy triệu.

{keywords}
Khách hàng đang chọn đồ trong một cửa hàng xách tay tại Hà Nội.

Anh tâm sự: “Tôi có người nhà ở Úc, cần mua gì thì nhờ họ mua, sau đó gửi trọn gói về. Tôi chủ yếu bán hàng trên facebook cho người thân và bạn bè của họ”.

Thuật ngữ “gửi trọn gói” anh Khoa giải thích là hình thức vận chuyển mà tiếng Anh là “door to door” (nôm na sơ đẳng tiếng Việt hiểu là “từ cửa tới cửa”), nghĩa là hàng hóa sẽ được bên làm dịch vụ lấy từ nhà của đầu bên Úc sau đó chuyển về tận cửa nhà đầu Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, giá vận chuyển trọn gói từ Úc về Việt Nam dao động từ 10-12USD/kg; một số mặt hàng tươi, hàng lạnh có thể lên đến 14USD/kg và nếu không có sự cố quá lớn, hàng sẽ về sau 4-5 ngày.

Cũng do thương mại điện tử tại Úc rất phát triển nên trong trường hợp người nhà bận việc, anh Khoa vẫn cũng có thể lên mạng đặt hàng rồi nhờ người của công ty vận chuyển đến lấy. Tất nhiên, phí vận chuyển sẽ vì thế nhỉnh lên đôi chút.

Rồi để chứng minh cho những gì vừa nói, anh Khoa mở máy tính, giới thiệu với chúng tôi về một thương hiệu anh rất tin tưởng: P… Expess - chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa uy tín từ Úc đi các nước trên thế giới.

H{keywords}
Quảng cáo công khai của P... Express về các dịch vụ có và không có hải quan. 


Tại Việt Nam, công ty này khẳng định có thể chuyển hàng đi tất cả 63 tỉnh, thành phố mà tỉ lệ bất trắc gần như bằng không. P… Express cũng công khai bảng giá một số dịch vụ của mình về việc vận chuyển không hải quan và vận chuyển có hải quan ở hai mức giá rất chênh lệch nhau…

Anh Khoa giải thích: “Không hải quan” nghĩa là chủ hàng phải tự làm các thủ tục thông quan cho hàng hóa, công ty đơn thuần chỉ vận chuyển; “Có hải quan” nghĩa là công ty sẽ “bao” luôn… hải quan(?!). Việc của khách chỉ là đặt và ngồi chờ hàng về. Trừ những sản phẩm đắt tiền và dễ bị để ý như điện thoại, máy tính bảng, máy tính… bị tính phí theo chiếc, còn hầu hết đều tính theo kilôgam. Chuyển bao nhiêu kilôgam cũng được. Công ty sẽ lo hết…

Tuy nhiên, anh Khoa cũng lưu ý, vì hàng đi theo kênh này chủ yếu là hàng “bay”, chi phí cao nên chỉ phù hợp với nhóm hàng mẫu (cần về sớm để trưng bày) hoặc các chủ hàng nhỏ lẻ, buôn bán “cò con” không có mối quan hệ. Muốn lãi lớn, chỉ có cách đi theo hàng “công”, tức là đóng hàng trong các container lớn và đi đường biển về Việt Nam (đã đề cập ở kỳ 3 loạt phóng sự này).

Đủ loại dịch vụ

Mặc dù là cái tên khá nổi bật trong giới vận chuyển hàng xách tay từ Úc về trong nước, song ngoài những số điện thoại là có thể xác thực, cả hai địa chỉ tại Việt Nam được P… Express công bố trên web rất chung chung: Ngõ 77 đường Tây Sơn, quận Đống Đa, TP.Hà Nội và Tháp A2 Rừng Cọ, khu đô thị Ecopark.

Lần theo địa chỉ này, nhóm PV đã khá bất ngờ khi ngõ 77 Tây Sơn là một con ngõ rất nhỏ, tối tăm và sâu hun hút. Đi vào trong khoảng 40-50m, sau nhiều thăm hỏi, chúng tôi cũng tìm được văn phòng của công ty này. Đó là một căn nhà có diện tích khiêm tốn nằm tận cuối ngõ, luôn có nhân viên túc trực cửa và thi thoảng lại thấy có xe máy đến lấy hàng hóa chở đi.

Theo tìm hiểu, sau khi hàng hóa từ Úc về đến sân bay, một số sẽ được P… Express vận chuyển thẳng về nhà cho khách hàng, một số sẽ tập kết về các đại lý và chờ thời điểm phù hợp để chuyển phát.

{keywords}
Giá niêm yết dịch vụ chuyển hàng trọn gói từ Nhật Bản về Việt Nam được công khai trên internet.


Tương tự, trong khảo sát sau đó của nhóm PV thì bất cứ thị trường nào cũng xuất nhiện những công ty hoặc nhóm người sẵn sàng nhận làm dịch vụ chuyển phát hàng hóa dạng “door to door” từ nước đó về Việt Nam. Đặc biệt ở một số nước như Hàn Quốc, ngoài giá hàng “bay” là khoảng 160.000 đồng/kg (sau 2-3 ngày có hàng) còn xuất hiện cả báo giá hàng đi “công”, khoảng 60.000 đồng/kg (khoảng 1 tháng hàng về).

Còn tại Nhật Bản, khung giá dao động từ 190.000 đồng/kg đến 250.000 đồng/kg tùy mặt hàng. Phí vận chuyển điện thoại, máy tính hoặc đồ điện tử nhẹ từ 400.000 đồng - 1 triệu đồng/chiếc. Phí gom hàng 20.000 đồng/kg. Hàng xa xỉ: 8% giá trị hàng…

Chia sẻ với PV, anh Quang - chủ một shop mỹ phẩm Hàn Quốc ở khu vực Hoàng Cầu - cho biết, nhờ có mạng xã hội, việc mua bán hàng xách tay trở nên vô cùng thuận tiện. Hàng hóa đặt mua cũng dễ, bán cũng dễ và đặc biệt không tốn chi phí mặt bằng, không cần đóng thuế, cũng chẳng phải đăng ký kinh doanh... Trước câu hỏi làm thế nào để kiểm soát? Anh này cười, kêu “khó”.

Tuy nhiên, vốn là người có thâm niên trong lĩnh vực, anh Quang cũng thẳng thắn cho biết, việc kiểm tra - rà soát có thể diễn ra thường xuyên với những nhà có cửa hàng, nhưng xét cho cùng, cũng chỉ là bề nổi.

Anh lý giải: “Các nhà giờ đây đều chứa hàng trong kho. Một nhà rải rác 3, 4 kho. Khi có khách đầu lớn mới cho nhân viên thân tín đi lấy. Mà địa chỉ các kho thì liên tục thay đổi, cứ có dấu hiệu “động” là lại đổi. Bởi, với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, việc tìm ra kho của nhau không khác gì bắt được vàng thỏi. Chỉ cần “xì” một tiếng cho lực lượng chức năng vào bắt giữ, đối thủ có thể chịu thiệt hại rất lớn...”.

Phải chặn từ gốc

Xét ở góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh hoa - phân tích: Quyết định 31 quy định rõ: “Khách nhập cảnh thường xuyên, theo quy định tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21.1.2015 không được hưởng định mức hành lý miễn thuế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này cho từng lần nhập cảnh mà cứ 90 ngày được hưởng định mức hành lý miễn thuế 1 lần”. Người nhập cảnh thường xuyên theo tính chất công việc gồm: Người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế…

“Điều đó có nghĩa nếu thực hiện nghiêm túc quy định, đội ngũ tiếp viên, phi công không thể mang hàng về nước một cách tùy tiện được mà mỗi 90 ngày mới được mang một lần. Xét trên thực tế, việc hàng “bay” về nước nhiều như hiện tại, có thể quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc” - luật sư Lực nêu quan điểm.

{keywords}
LS Quách Thành Lực - Giám đốc Cty Luật Hà Nội Tinh hoa.


Vị luật sư cũng nói thêm: “Muốn kiểm soát hàng xách tay trên thị trường, nhất thiết phải làm từ gốc. Nghĩa là phải trả lời câu hỏi tại sao hàng từ nước ngoài lại dễ dàng lọt lướt qua các cửa kiểm soát như vậy. Nếu là hàng “bay”, ai đã dung túng; hàng “công”, ai đã tiếp tay…? Nói ra để thấy, hàng hóa xách tay nhan nhản trên thị trường như hiện nay, thật giả lẫn lộn như hiện nay, là một chuỗi các khâu cùng bị hổng, không riêng khâu nào”.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2017, chỉ tính riêng tại “thủ phủ” xách tay phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), đơn vị này đã kiểm tra 19 vụ, trong đó đã xử lý 17 vụ và 2 vụ còn lại đang xử lý. Phạt tiền hơn 61 triệu đồng và trị giá hàng hóa tịch thu là 144,173 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Đánh giá về tình trạng buôn bán hàng lậu và gian lận thương mại tại con phố này, văn bản phản hồi từ Chi cục QLTT Hà Nội xác nhận những phản ánh của Báo Lao Động là có cơ sở. Văn bản nêu rõ: “Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các loại mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng, không đầy đủ tem nhãn, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn khác nhau. Nhiều cá nhân, tổ chức vì ham lợi nhuận đã nhập lậu số lượng lớn mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng để kinh doanh kiếm lời. Những sản phẩm mỹ phẩm nêu trên phần nhỏ được sản xuất thủ công, trái phép trong nước còn lại đa số được sản xuất ở nước ngoài, sau đó thẩm lậu bằng nhiều đường khác nhau chủ yếu qua đường tiểu ngạch, đưa vào trong nước rồi vận chuyến, tập kết về Hà Nội để tiêu thụ và chuyển đi các tỉnh”.

(Theo Lao Động)