Điều này đã chứng tỏ có sự quan tâm của Nhà nước đến vấn đề giới trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Một trong những mục tiêu tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là đạt được bình đẳng giới, vừa tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều này khẳng định: Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ XXI và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ.
Bàn giải pháp kéo phụ nữ nông thôn ra khỏi nhóm người nghèo nhất. |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 16,3% GDP của Việt Nam, nhưng có tới 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi 63,4% phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp, so với 57,5% của nam giới.
Bởi vậy bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam nhận xét, rõ ràng là phụ nữ nông thôn đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Không có phụ nữ và trẻ em gái nông thôn, các cộng đồng nông thôn sẽ không thể hoạt động tốt.
Tuy nhiên, theo bà Elisa Fernandez Saenz mặc cho những nỗ lực to lớn của Chính phủ, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ nông thôn tại Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những người nghèo nhất, thiếu sự tiếp cận đến các hỗ trợ, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu khác. Đồng thời, họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Thanh Hùng