Đồ uống giải khát vỉa hè không đảm bảo vệ sinh không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm tức thì, mà còn ảnh hưởng một cách lâu dài đến sức khỏe.
Bẩn từ vỉa hè…
Mới chớm vào mùa nắng nóng nhưng khắp các con phố, tuyến đường ở Hà Nội đã san sát các hàng quán bán nước giải khát mọc lên. Nhìn cảnh chế biến sát vỉa hè - nơi đông xe cộ qua lại, bị ảnh hưởng rất nhiều của khói bụi - nhiều người đều không khỏi rùng mình. Thế nhưng, khách hàng vẫn vô tư thưởng thức đồ giải khát.
Có thể thấy, mía được róc vỏ sẵn, phơi bên lề đường mù mịt bụi, ruồi nhặng bâu bám, cốc chỉ được tráng qua loa trong chậu nước được dùng đi dùng lại. Trong khi đó, bản thân chủ hàng cứ tay không mà làm hàng. Nên một cốc nước mía được bán với giá trung bình 10.000 đồng, thậm chí còn có giá rẻ... giật mình: 6.000 đồng.
Đồ uống giải khát vỉa hè có giá rẻ tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn |
Làm một hơi hết cốc nước tại quán trà đá gần cổng Bệnh viện E, anh Lực vừa đưa người nhà đi khám bệnh, vẫn thấy khát lại xin chị bán hàng cho thêm cốc trà đá nữa. Chị Nhung - chủ hàng nước giải khát nhanh nhẹ lấy tay cầm miếng đá to lấy đoạn gỗ dài chừng 30cm, rộng chừng 10cm đập vỡ miếng đá to thành những miếng nhỏ rồi bốc cho vào cốc, rót trà từ bình cho khách "hạ nhiệt".
Nói là chủ hàng nhưng thực tế chị Nhung chỉ có một cái xe nhỏ đẩy hàng trong đó xếp bình trà, hộp xốp đựng đá, hai cái bàn nhựa, 6 cái ghế nhựa và hơn hai chục cái cốc nhựa dùng đi dùng lại, xếp chồng lên nhau... Chỗ bày hàng nước của chị cũng chừng 5m2 , nơi tấp nập người qua lại, cộng thêm với sự bụi bặm của đường phố. Chị Nhung thừa nhận chỉ nước là có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì trực tiếp đun nấu, pha chế, còn đá thì lấy ở đại lý mà nơi này thì không lấy gì làm sạch sẽ.
…Bẩn ra trường học
Báo động hơn cả với người lớn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nước giải khát mùa nắng nóng với trẻ em là cực kỳ khôn lường. Nguy cơ này chủ yếu đến từ các quán hàng, xe bán hàng lưu động ở vỉa hè dọc các cổng trường.
Những chiếc xe nhỏ gồng gánh đủ các loại, nào là nước sâm, si rô bảy màu, trà sữa, trà đào rồi đến đá bào, chanh muối, đậu nành, nước tắc… được đựng trong các chai thủy tinh đã cũ, xỉn màu lem luốc. Bên cạnh, các hũ đựng hạt trân châu, thạch trái cây… đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím không hề che đậy, phơi bày cả ngày dưới nắng gió bụi đường.
Sau mỗi tiết học, học sinh lại ùa ra, vây quanh các xe này để giải tỏa cơn khát. Người bán múc vội mớ hạt trân châu, đồng thời dùng tay trần bốc đá cho vào cốc nhựa. Tiếp đó mở tủ gầm xe xách lên một thùng trà sữa năm lít đã pha sẵn rót đầy vào các cốc. Lũ trẻ cười tít mắt đón cốc nước từ tay người bán, hút rồn rột mà chẳng hề có ý niệm đến vệ sinh, đến các nguy cơ dịch bệnh đang đi vào cơ thể.
Nên lựa chọn những nơi uy tín đảm bảo vệ sinh |
Quán sang cũng… bẩn
Không chỉ ở các quán vỉa hè hay xe lưu động bán quanh các trường học, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn tràn vào cả các hàng quán có tiếng, lâu này được biết đến đầy uy tín. Ngày 12/5 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 26 chi cục QLTT Hà Nội và đội 5, phòng cảnh sát môi trường công an TP Hà Nội phát hiện thêm một xưởng làm thạch trân châu tại số 137 Ngọc Hồi, Hà Nội. Điều đặc biệt, đây chính là một chi nhánh hãng trà sữa Feeling Tea.
Chi nhánh này cung cấp trà sữa với quy trình khép kín, tuy nhiên đi sâu vào nhà xưởng bên trong là một nơi ẩm thấp, chật chội. Khu xưởng chế biến nhếch nhác, bột trà sữa cùng trân châu được làm trong những xô chậu không hề hiện đại như những lời quảng cáo. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nguyên liệu là do nước ngoài sản xuất và không đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại nước giải khát mùa hè không chỉ mang đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tức thì, mà còn ảnh hưởng một cách lâu dài đến sức khỏe. Các loại hóa chất tạo màu, tạo mùi dùng pha chế nước giải khát mùa hè là hóa chất dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng. Nếu cơ thể tích tụ lâu ngày sẽ gây ngộ độc mãn tính và là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.
(Theo Viet Q)