Góp phần giải quyết nợ xấu

Qua 10 năm hoạt động, VAMC đã phát huy được vai trò của mình, góp phần trong việc giải quyết nợ xấu, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) chuyển một lượng nợ xấu lớn ra khỏi bảng cân đối kế toán, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.

Đồng thời với hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường, VAMC giúp các TCTD xử lý nhanh nợ xấu, có thêm dòng tiền quay vòng vốn cho hoạt động tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

thu ngan sach.jpg
Hiện nay, VAMC không được mua nợ xấu của TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài

Tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, đối tượng VAMC được mua nợ xấu chỉ là các TCTD trong nước (loại trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài). Tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC hiện nay quy định đối tượng VAMC được mua nợ xấu là các TCTD Việt Nam, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, Nghị định 53/2013/NĐ-CP được xây dựng khi các TCTD Việt Nam chiếm thị phần tín dụng và nợ xấu rất cao trong toàn hệ thống. Trong những năm qua, dư nợ của các TCTD 100% vốn nước ngoài, TCTD liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngày càng tăng. Thị phần tín dụng của các TCTD nước ngoài đến 31/5/2021 khoảng 12%.

Tại một số TCTD nước ngoài, tổ chức liên doanh có tỷ lệ nợ xấu khá cao, do vậy các đơn vị này cũng có nhu cầu bán nợ xấu (đặc biệt có một số đơn vị đã thực hiện bán nợ xấu ra nước ngoài như Maybank HN và HCM, Cathay Chu Lai… do không bán được nợ xấu cho VAMC).

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, VAMC không được mua nợ xấu của TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong khi các tổ chức mua bán nợ khác (tổ chức tín dụng) đều được mua nợ của TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quy định này hạn chế quyền của VAMC, ảnh hưởng đến mục tiêu “phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu”  và “thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ” .
Bên cạnh đó, việc TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bán nợ xấu cho VAMC là chưa tạo sự bình đẳng giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài.

Mở rộng đối tượng VAMC được mua nợ xấu

Khi xây dựng dự thảo Luật Tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế rất lớn, nên dự kiến nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC. Theo đó, VAMC được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, (riêng nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chỉ thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường), tạo sự bình đẳng giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài và để thực hiện các quy định của Quốc hội, Chính phủ nhằm phát triển VAMC trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu và trung tâm của thị trường mua bán nợ.

Thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là tạo sự bình đẳng trong hoạt động giữa TCTD Việt Nam và TCTD nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Việc quy định VAMC được mua nợ xấu của TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm tạo sự bình đẳng giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Việc mở rộng phạm vi mua nợ xấu của VAMC là TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ của VAMC, đặc biệt là trường hợp nợ xấu phát sinh từ hoạt động cho vay hợp vốn giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài.

Điều này cũng đảm bảo mục tiêu “phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu”, “thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ” và tạo được sự bình đẳng giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài.

Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi mua nợ xấu của VAMC còn phù hợp với Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, xác định chủ trương lớn trong cơ cấu lại thị trường tài chính là “...giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp...”.