Cục Đường sắt Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về các giải pháp khắc phục những điểm xung yếu trên mạng lưới đường sắt.

Trong đó, đơn vị này đề xuất bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Việc nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao năng lực thông quan, năng lực chuyên chở, tăng cường vận tải liên vận quốc tế với Trung Quốc và châu Âu.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có tổng chiều dài 167km, được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1970.

Trên tuyến có tổng số 60 cầu, bao gồm 1 cầu đặc biệt lớn, 4 cầu lớn, 9 cầu trung và 46 cầu nhỏ. Trong đó, cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn chạy tàu; các cầu còn lại cơ bản đáp ứng được yêu cầu khai thác.

Trên tuyến còn có 8 hầm với tổng chiều dài 1.992m, được thiết kế với đường ray cũ, tà vẹt bê tông thường, nên cần được đầu tư, thay thế nhằm đáp ứng tốc độ khai thác và nhu cầu vận tải ngày càng tăng của tuyến.

Đáng lưu ý, trên tuyến có tổng cộng 67 vị trí xung yếu, cần thực hiện sửa chữa kiên cố hóa kết cấu hạ tầng trong kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hằng năm.

Trước thực tế này, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất lập dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2031.

Dự án sẽ đầu tư các hạng mục như: Nâng cấp, cải tạo kiến trúc tầng trên; cải tạo cục bộ bình diện, nâng bán kính đường cong tại các điểm nghẽn về vận tải, đảm bảo an toàn chạy tàu; gia cố cải tạo cống, hệ thống thoát nước và nền đường yếu.

Song song đó, dự án cũng khôi phục đường ga đối với các ga hạn chế về số lượng đường, cải tạo các ga hiện có nhằm khai thác hiệu quả, góp phần tăng năng lực, cải thiện dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức chạy tàu; cải tạo các hầm yếu để đảm bảo an toàn chạy tàu, xóa bỏ các điểm đen, hạn chế tốc độ.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tổng mức đầu tư dự kiến 2.238 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031.