Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hôm nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, vấn đề cần quan tâm tại dự án luật này là tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn, không tổ chức lấy ý kiến khiến các đối tượng chịu tác động trở tay không kịp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Minh Đạt |
Ông dẫn ví dụ giai đoạn sửa đổi gần 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đầu năm 2016, dù việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là việc tốt nhưng xây dựng văn bản theo quy trình rút gọn, tạo cú sốc lớn cho các doanh nghiệp.
Gần đây có tình trạng các luật được ban hành cần có nghị định, thông tư hướng dẫn và nghị định, thông tư phải có hiệu lực cùng thời điểm với luật, Chính phủ và Quốc hội lại yêu cầu rất gắt gao về vấn đề nợ đọng nghị định, thông tư hướng dẫn luật.
“Các bộ soạn nghị định và thông tư chậm, sát đến lúc luật có hiệu lực rồi mà vẫn chưa xong nên thường xin làm theo thủ tục rút gọn để đỡ bị liệt vào diện nợ đọng văn bản.
Chính vì vậy có tình trạng lạm dụng thủ tục rút gọn, trong khi thông thường nghị định và thông tư mới là chỗ quy định đủ chi tiết để doanh nghiệp có ý kiến đóng góp”, ông Đồng nói.
Để chống lạm dụng quy trình rút gọn, ĐB nêu một số biện pháp.
Cụ thể, dự thảo đã bổ sung quy định để được phép rút gọn thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp.
Bổ sung quy định trong văn bản đồng ý thủ tục rút gọn của Thủ tướng phải ghi rõ áp dụng thủ tục rút gọn theo trường hợp nào tại điều 146 và phải lý giải vì sao văn bản này thuộc trường hợp đó. Quy định như vậy các doanh nghiệp sẽ tâm phục, khẩu phục.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị cũng cho hay, một thời gian dài các bộ đặt ra các thủ tục hành chính là rất tùy tiện tại các thông tư và hiện nay cần rà soát để chấn chỉnh lại.
Tăng cường hơn nữa những người thực sự có năng lực
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đề cập đến tính cục bộ trong xây dựng pháp luật - điểm trăn trở của nhiều doanh nghiệp, người dân.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Minh Đạt |
Theo bà, có một số trường hợp Chính phủ đã thống nhất quan điểm trình UB Thường vụ QH nhưng các bộ, ngành vẫn nói ngược lại để bảo vệ lợi ích riêng của ngành, bộ mình.
Để khắc phục tình trạng này, rất cần một cơ quan độc lập về lợi ích, một cơ quan dân cử để có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, để đưa ra những văn bản mang tính khách quan nhất.
Xây dựng hệ thống pháp luật là một chặng đường rất gian nan, để luật đi vào cuộc sống, không chỉ cần một cơ chế xây dựng đúng, một quy trình đúng, mà yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người.
Vì vậy, bà mong tăng cường hơn nữa những con người thực sự có năng lực, công tâm trong hệ thống cơ quan xây dựng pháp luật.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, các dự án luật khi trình ra QH phải đảm bảo 2 yêu cầu cơ bản về kỹ thuật lập pháp và không có sự chồng chéo, xung đột với luật pháp hiện hành.
"QH không thể đi sửa câu chữ, xem xét về ngữ pháp hay những vấn đề cơ bản về lập pháp; chúng ta cũng không thể thông qua những đạo luật mà khi ra đời sẽ đụng bao nhiêu luật khác", ông Nghĩa nói.
Theo ông, thực tế vừa qua có những dự thảo luật "đọc lên là thấy câu chữ không ổn, chưa nói tới những vấn đề khác".
Để đảm bảo chất lượng dự thảo luật, ông Nghĩa hiến kế ban soạn thảo phải gồm 2 nhóm chuyên gia về lập pháp và chuyên ngành.
Ông cũng đề nghị QH tăng số lượng đại biểu chuyên trách để dành thời gian xây dựng luật; chú trọng cơ cấu các ủy ban phải gồm những đại biểu biết việc và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực mà ủy ban đó phụ trách.
"Nếu như UB Thường vụ QH thông qua các ủy ban, thấy dự thảo luật chưa đạt yêu cầu thì trả cho cơ quan soạn thảo và đề nghị làm lại; nếu cần thì chúng ta dời lịch, không thể vì lịch mà chấp nhận những dự thảo không tốt", ông Nghĩa nói.
Đáng buồn có người gây sức ép khi ĐBQH nói trái quan điểm của ngành
Điều đáng buồn là có vị lãnh đạo bộ gây sức ép với ĐBQH khi ĐB phát biểu trái với quan điểm của bộ, ngành mình.
Hương Quỳnh - Thu Hằng