Theo mẫu giấy khám sức khỏe người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất bỏ nội dung bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy.
Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Hiện nội dung này đang được quy định, thực hiện theo Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.
Dự thảo này do Bộ Y tế biên soạn, so với Thông tư liên tịch số 24 có chỉnh sửa, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung.
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Dự thảo bổ sung đối tượng áp dụng là người điều khiển xe máy chuyên dùng; bổ sung nội dung khám sức khỏe và phạm vi tiêu chuẩn đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Khoản 3, Điều 34 Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ năm 2025 quy định xe máy chuyên dùng bao gồm:
a) Xe máy thi công;
b) Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp;
c) Máy kéo;
d) Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy kéo;
đ) Xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt;
e) Các loại xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
Dự thảo lần này sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhất trong Chương II: Tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng (gồm 4 điều, tăng 1 điều so với Thông tư 24 hiện hành).
Điểm đáng chú ý trong Dự thảo là tại khoản 2, Điều 4 "Khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng", Bộ Y tế đề xuất bỏ nội dung bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn và ma túy trong mẫu giấy khám sức khỏe.
Trong mẫu hiện hành, một trong 2 nội dung khám cận lâm sàng được quy định là các xét nghiệm bắt buộc gồm: Xét nghiệm ma túy (test Morphin/Heroin, test Amphetamin, test Methamphetamin, test Marijuana (cần sa) và xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Ngoài ra, mẫu giấy khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trong Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung thời hạn của giấy khám sức khỏe: có giá trị sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký kết luận, trước đây chỉ có giá trị trong 6 tháng.
“Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng" theo Dự thảo Thông tư, Bộ Y tế không thay đổi nội dung quy định chi tiết về các tình trạng bệnh, tật (theo từng nhóm) không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng, tuy nhiên Dự thảo bổ sung, sửa đổi nội dung về hạng xe trong 3 nhóm.
Nhóm
Người lái hạng xe theo hiện tại
Người lái hạng xe trong Dự thảo
Hạng xe được đề xuất sửa đổi, bổ sung
1
A1
A1, B1
Thêm B1
2
B1
B
3
A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE
A, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE)
C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE
Ví dụ, hiện nay, theo Thông tư 24, người lái xe hạng B1 (thuộc nhóm 2) nếu bị "rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng" thì không được phép lái xe. Trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 24, người lái xe hạng B1 này chuyển sang nhóm 1, không được lái xe nếu "đang rối loạn tâm thần cấp".
Việc góp ý cho Dự thảo Thông tư sẽ kết thúc vào ngày 22/10. Nếu được thông qua, Thông tư này dự kiến có hiệu lực kể từ năm 2025.