Dự thảo luật căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 chương 45 điều, quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định.
Dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật.
Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi. Đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.
Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định. Trường hợp công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.