Cần tăng quyền lợi cho người lao động
Ông Lê Văn S. là một công chức nhà nước ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Năm 2023 ông S. nghỉ hưu sau khi đã tham gia BHXH được hơn 43 năm.
Theo quy định hiện hành, ngoài 35 năm tham gia BHXH được hưởng đủ 75% lương (mức hưởng tối đa), ông S. được nhận thêm mỗi năm đóng thừa nửa tháng lương. Như vậy, với hơn 8 năm đóng BHXH vượt mức trần quy định, ông S. được nhận 29 triệu đồng.
Ông S. chia sẻ, xét về điều kiện được hưởng tối đa 75% lương ( đủ 35 năm) ông thừa tới 8 năm. Nhưng do quy định không cho phép về hưu trước tuổi nên ông vẫn phải làm việc cho đến khi đủ tuổi mới được giải quyết chế độ hưu trí.
“Thực tế 8 năm trước tôi đã đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa (75%), thế nhưng do luật quy định về hưu trước tuổi mỗi năm bị trừ 2% lương nên tôi phải cố làm cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Xét từ góc độ lợi ích của người lao động, quy định như vậy chưa thật sự công bằng vì mỗi năm đóng thừa chỉ được nhận có nửa tháng lương”, ông S. chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi, BHXH Việt Nam đề xuất bổ sung vào dự luật lần này điều kiện hưởng lương hưu theo hướng: lao động nữ có đủ 30 năm đóng BHXH trở lên, lao động nam có đủ 35 năm đóng BHXH trở lên, khi có yêu cầu được nghỉ và hưởng lương hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định chung (không bị trừ tỷ lệ lương hưu).
Lý do đưa ra đề xuất trên được BHXH Việt Nam cho rằng là để phù hợp với nội dung cải cách, hướng tới giảm quyền lợi hưởng một lần và tăng quyền lợi cho người bảo lưu để hưởng chế độ hưu trí.
Đồng thời, làm tăng hấp dẫn của chính sách hưu trí, khuyến khích người lao động tham gia BHXH sớm, duy trì đóng trong thời gian dài và cân nhắc không hưởng BHXH một lần.
Theo BHXH Việt Nam, nhóm này đóng sớm và thời gian đóng dài, đa số không hưởng BHXH một lần nên xứng đáng được hưởng sớm nếu có yêu cầu.
Nếu quy định này được thực hiện sẽ đảm bảo công bằng giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Bởi vì, từ trước đến nay mới chỉ có quy định nghỉ hưu trước tuổi không bị giảm trừ tỷ lệ chủ yếu ở khu vực Nhà nước thông qua các chính sách tinh giản biên chế, lao động dôi dư, chính sách cho người không đủ tuổi tái cử, hay khối lực lượng vũ trang…; không có chính sách nghỉ hưu trước tuổi nào áp dụng cho khu vực ngoài Nhà nước.
Theo BHXH Việt Nam, việc cho nhóm này nghỉ hưu trước tuổi sẽ không có tác động đáng kể đến cân đối quỹ do thời gian đóng BHXH của những trường hợp này đủ dài.
Qua tổng hợp ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng thì đa số người lao động mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu. Đây là giải pháp thiết kế cho một nhóm lao động có nguyện vọng nhất vì họ đã đóng rất sớm và đóng trong thời gian dài.
Cơ quan soạn thảo 'bác' đề xuất
Trả lời đề xuất của BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan soạn thảo dự luật) cho biết, không tiếp thu đề xuất đưa vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Lý do là không phù hợp với định hướng của Trung ương về tuổi nghỉ hưu và không phù hợp với nguyên lý của chế độ hưu trí.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chế độ hưu trí là một trong các chế độ của chính sách BHXH nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).
Theo nguyên lý và thông lệ các nước khi xây dựng chế độ hưu trí đều quy định: người lao động để được hưởng lương hưu hằng tháng thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng BHXH.
Quy định này đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó đảm bảo an toàn và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng luôn lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu, thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).
Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Chia sẻ đóng, hưởng linh hoạt
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH ngoài nguyên tắc đóng - hưởng còn có nguyên tắc chia sẻ.
Thời gian đóng BHXH vượt mức trần, một phần được trả khi nghỉ hưu, một phần được hòa vào quỹ chung để chia sẻ với người đóng thời gian ngắn, mức lương hưu thấp.
Do vậy nếu bổ sung quy định đóng BHXH vượt thời gian có lương hưu tối đa để được nghỉ hưu sớm là chưa đúng nguyên tắc của BHXH và tuổi nghỉ hưu.
Theo ông Lợi, định hướng chính sách hiện nay đang khuyến khích tăng tuổi nghỉ hưu và đóng BHXH dài hơn, không khuyến khích nghỉ hưu sớm.
Bởi lẽ, khi nghỉ hưu sớm kéo theo thời gian nhận lương hưu của người chưa đúng tuổi sẽ dài hơn dẫn tới nguy cơ mất cân đối đóng - hưởng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ-TB&XH nêu ý kiến, thay vì đề xuất giải pháp cho nghỉ hưu sớm với người đóng BHXH vượt trần, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi nên quy định theo hướng có cả phần đóng cố định và phần linh hoạt
Với phần cố định, người lao động đóng BHXH thời gian tối thiểu để có lương hưu (theo dự luật là 15 năm), phần này không được đụng tới khi chưa tới tuổi nghỉ hưu, kể cả hưởng BHXH một lần.
Với phần linh hoạt, khi đã chắc chắn đóng đủ để có lương hưu (mức sàn), thời gian đóng tăng thêm mới cho hưởng các chế độ, như BHXH một lần với phần đóng trên mức sàn. Ngoài ra có thể đóng bù thời gian để cải thiện lương hưu. Riêng thời gian đóng vượt sàn được tính tỷ lệ lương hưu cao hơn phần sàn…
“Các chính sách linh hoạt sẽ khuyến khích người lao động đóng thêm nhằm có lương hưu cao hơn”, bà Hương nói.