Thống kê mới đây về số điểm sạt lở bờ biển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho hay, tính đến năm 2022, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 83 điểm xói lở, chiều dài sạt 295,7 km trên tổng số 744 km đường bờ biển. Trong đó, 188,9 km đường bờ xói lở đặc biệt nguy hiểm; 48,2 km đường bờ xói lở nguy hiểm. 

Trong số các giải pháp công trình chống xói lở bảo vệ bờ biển đã xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thể kể tên một số kè biển bảo vệ trực tiếp như: Đê biển Gò Công – Tiền Giang; Kè Bảo Thuận – Bến Tre; Kè Trường Long Hòa – Trà Vinh; Kè đá lát khan đê biển Tây– Cà Mau; Kè đá đổ bảo vệ biển Tây – Cà Mau…

anh bai 1.jpg
Cần triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng chống sạt lở bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Một số công trình giảm sóng ở đồng bằng sông Cửu Long gồm: Đê Geotube Gò Công – Tiền Giang; Đê giảm sóng Geotube cửa sông Láng Chim – Trà Vinh; Đê giảm sóng cấu kiện TC1, TC2 – Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam; Đê giảm sóng hai hàng cọc ly tâm; Đê trụ rỗng viện Thủy Công; Đê giảm sóng cấu kiện Busadco…

Đánh giá các công trình bảo vệ bờ trực tiếp thì thấy một số ưu điểm: Phát huy ngay hiệu quả chống xói lở, bảo vệ bờ biển, đê biển; Tần suất thiết kế, cao trình đỉnh đê đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư phía sau đê trong điều kiện bất lợi (triều cường, bão…); Cấu kiện bê tông đúc sẵn có thể thi công tại chỗ; Cấu kiện lát mái dễ sản xuất và thi công, kỹ thuật không quá phức tạp; Tuổi thọ công trình cao, công tác duy tu bảo dưỡng ít.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít nhược điểm, có thể kể tới: Không có khả năng gây bồi, tạo bãi hay khôi phục rừng ngập mặn; Chưa thân thiện với môi trường, làm gián đoạn sự kết nối giữa trên bờ và dưới nước, ảnh hưởng đến sự phát triển và môi trường sống của động, thực vật; Chưa xem, tính toán đầy đủ ảnh hưởng của sự hạ thấp bãi trước và mất rừng ngập mặn gây ra hiện tượng xói chân, sụt lún mái kè; Kinh phí xây dựng cao, lên tới 50 - 150 triệu đồng/mét.

Về lý thuyết, các giải pháp công trình giảm sóng cần phải đáp ứng khá nhiều yêu cầu. Chẳng hạn: Ngăn chặn được xói lở bờ biển, đảm bảo ổn định và an toàn cho đê biển; Có khả năng gây bồi, tạo bãi đồng thời tạo điều kiện để có thể khôi phục và phát triển rừng ngập mặn; Ít gây các tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái tại khu vực thực hiện và các vùng lân cận; Các giải pháp kết cấu công trình chống xói lở đề xuất có kết cấu thích hợp với điều kiện địa chất nền mềm yếu; Tận dụng được các vật liệu sẵn có của khu vực; Có khả năng thi công trong điều kiện thường xuyên chịu các tác động của sóng, dòng chảy.

Hiểu rõ những yêu cầu nêu trên, mới đây, một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất giải pháp Cấu kiện giảm sóng bảo vệ bờ biển và Cấu kiện rỗng hình chóp cụt bảo vệ bờ biển, nhằm phòng chống sạt lở bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thạc sĩ Lê Thanh Chương, đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh một số ưu điểm của giải pháp này. Đáng chú ý: Có khả năng gây bồi tạo bãi nhanh, thi công nhanh; Hiệu quả giảm sóng tốt; Tính ổn định của công trình cao, giảm thiểu được các lực tác động của sóng lên công trình; Tạo được mỹ quan; Có thể tái sử dụng di chuyển đến vị trí khác; Khả năng trao đổi bùn cát, chất dinh dưỡng trước và sau công trình tốt, tạo điệu kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Nhược điểm của giải pháp do nhóm nghiên cứu đề xuất là trong điều kiện địa chất nền yếu phải có các giải pháp xử lý nền phù hợp để đảm bảo sự ổn định cho công trình..

Để công trình giảm sóng gây bồi phát huy tốt hiệu quả, đại diện nhóm nghiên cứu nêu một số kiến nghị. Theo đó, việc bố trí hợp lý không gian công trình đê giảm sóng gây bồi là hết sức quan trọng, cần nghiên cứu, khảo sát đánh đầy đủ các yếu tố: đặc điểm trường sóng, trường dòng chảy, yêu cầu của đối tượng bảo vệ… Các phương án bố trí không gian hệ thống công trình giảm sóng đề xuất cần được kiểm chứng bằng mô hình toán hoặc mô hình vật lý.

“Công trình bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu giảm sóng gây bồi, độ ổn định, tiếp tục được triển khai áp dụng cho các khu vực có điều kiện tương tự, cần tiếp tục nghiên cứu cải thiện để áp dụng cho các khu vực khác có điều kiện phức tạp hơn như nơi có điều kiện địa hình sâu hơn, chiều cao sóng lớn hơn...”, Thạc sĩ Lê Thanh Chương nhận định.

Văn Dương và nhóm PV, BTV