Bộ TT&TT đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông về quản lý, đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet (Nghị định). Đây là văn bản nhằm hướng dẫn thi hành, tạo căn cứ pháp lý để Luật Viễn thông năm 2023 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đề xuất quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông

Một trong những nội dung chính của dự thảo Nghị định này là nhóm chính sách quy định về việc quản lý và sử dụng kho số viễn thông.

Trong đó, bao gồm các quy định về việc phân bổ, hoàn trả, thu hồi và bồi thường khi thu hồi mã, số viễn thông. Nghị định cũng quy định chi tiết về việc cho thuê số thuê bao viễn thông và đổi số thuê bao theo quy định. 

Số thuê bao viễn thông là một chuỗi các chữ số (hoặc các ký tự) chỉ thị điểm kết cuối duy nhất trong mạng viễn thông, bao gồm các thông tin cần thiết để định tuyến cuộc gọi tới điểm đó.

Khối mã, số viễn thông được hiểu là một tập hợp gồm các mã, số liền kề nhau. Cụ thể, khối 10 mã, số là tập hợp gồm 10 mã, số có chữ số hàng chục giống nhau; khối 100 mã, số là tập hợp gồm 100 mã, số có chữ số hàng trăm giống nhau,...

chuan hoa thong tin thue bao di dong 5.jpg
Người dùng làm thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao tại điểm giao dịch của nhà mạng. Ảnh: Trọng Đạt

Các mã, số viễn thông có thể được cơ quan quản lý nhà nước phân bổ, cấp quyền sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo phương thức trực tiếp hoặc thông qua đấu giá. 

Số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất, cố định vệ tinh, mạng viễn thông di động H2H (giao tiếp người với người), mạng viễn thông di động M2M (giao tiếp máy với máy),... sẽ được phân bổ cho các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng. 

Điều tương tự cũng diễn ra với việc phân bổ mã mạng di động H2H, M2M, mã dịch vụ điện thoại quốc tế, mã dịch vụ truyền số liệu, mã dịch vụ điện thoại VoIP,...

Cho thuê, đổi số thuê bao viễn thông thế nào?

Theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp viễn thông có thể sử dụng số thuê bao viễn thông được phân bổ để cho doanh nghiệp khác thuê lại. Điều kiện là cả 2 doanh nghiệp phải có giấy phép ở cùng loại hình dịch vụ viễn thông. Thời hạn thuê, cho thuê không được vượt quá thời hạn của các giấy phép. 

Chi phí cho thuê sẽ dựa trên thỏa thuận, nhưng không vượt quá gấp đôi mức phí sử dụng số thuê bao viễn thông mà doanh nghiệp cho thuê phải trả theo luật phí, lệ phí. Sau đó, doanh nghiệp mua lại dịch vụ sẽ được cấp số thuê bao viễn thông cho người dùng cuối.

Trong thời hạn 5 ngày sau khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cho thuê số thuê bao viễn thông phải thông báo bằng văn bản cho Bộ TT&TT. Việc chấm dứt hợp đồng cũng phải được thông báo đến Bộ TT&TT bằng văn bản.

W-sim-thue-bao-di-dong-1.jpg
Người dùng di động có thể sở hữu cùng lúc nhiều SIM. Ảnh: Trọng Đạt

Dự thảo Nghị định cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp viễn thông có thể đổi số thuê bao (về độ dài, cấu trúc) nhưng phải thực hiện theo đúng các quy định.

Việc đổi số thuê bao chỉ được thực hiện trong trường hợp tăng dung lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác mạng lưới, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch kho số viễn thông quốc gia,... 

Khi đổi số thuê bao, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và triển khai phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông hoặc kế hoạch đổi số thuê bao được Bộ TT&TT phê duyệt.

Doanh nghiệp cũng phải thông báo về kế hoạch đổi số trước 60 ngày và hướng dẫn người sử dụng cách thức quay số sau khi tiến hành thay đổi. 

Đồng thời, doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc (nếu có) trước, trong và sau quá trình đổi số thuê bao viễn thông.

Doanh nghiệp viễn thông sẽ không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do việc đổi số thuê bao viễn thông.