Tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (ngày 6/3) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.

Nhà trường cho rằng, theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá tới 0,75 điểm trở lên là yêu cầu quá cao. Nhà trường đề xuất chỉ quy định khung điểm là 0,5, đồng thời đề nghị tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng cho cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật. 

Ảnh minh họa.

Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 372/CP ngày 17 tháng 12 năm 1980 của Thủ tướng chính phủ, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 538/QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hoạt động theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan. Hiện nhà trường đã và đang đào tạo được 7 khóa tiến sĩ, với 2 chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nghệ thuật sân khấu và Lý luận lịch sử phê bình nghệ thuật điện ảnh – truyền hình, hiện có 3 khóa đã tốt nghiệp.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc ĐH Công nghệ Sydney (Úc), nghệ sĩ nhân dân là một danh hiệu hay tước hiệu có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Theo như quy chế hiện hành thì danh hiệu này được trao tặng hay phong cho những nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội.

Tiến sĩ là một bằng cấp do một đại học cấp sau khi đương sự đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật. Thường người được cấp bằng tiến sĩ phải trải qua ít nhất là 3 năm học hành và nghiên cứu. Nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp có ý nghĩa trong chuyên ngành.

Ngoài ra còn có nhiều khác biệt giữa nghệ sĩ nhân dân và tiến sĩ đó là nghệ sĩ nhân dân không phải học trong môi trường khoa bảng, còn tiến sĩ phải qua đào tạo trong môi trường khoa bảng. Nghệ sĩ nhân dân không cần viết luận án và bảo vệ luận án, tiến sĩ phải thực hiện hai việc đó. Nghệ sĩ nhân dân có đóng góp rộng lớn trong xã hội còn tuyệt đại đa số tiến sĩ chẳng có đóng góp gì ở cấp xã hội mà chỉ có những đóng góp rất nhỏ trong chuyên ngành. Nghệ sĩ nhân dân nếu đúng định nghĩa thể hiện một cái mà phương Tây gọi là ‘accomplishment’, còn tuyệt đại đa số tiến sĩ không bao giờ đạt được cấp độ đó, mà chỉ ở mức 'attainment'.

“Xét về mức độ ảnh hưởng tôi nghĩ nghệ sĩ nhân dân có ảnh hưởng hơn nhiều so với đa số tiến sĩ”- GS Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng hiện đang có nhiều hiểu lầm về văn bằng tiến sĩ. Trước đây có quy định rằng trong ngành y các giảng viên đại học có bằng bác sĩ 'chuyên khoa II' được xem là tương đương tiến sĩ. Nay đến bên ngành nghệ thuật cũng hiểu lầm và đòi 'tương đương hoá' như thế. Như vậy người ta sẽ hỏi nếu nghệ sĩ nhân dân là tương đương với tiến sĩ thì nghệ sĩ ưu tú tương đương với bằng cấp gì?

"Một nghệ sĩ có bằng tiến sĩ nhưng có thể suốt đời không bao giờ đạt được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Ngược lại một nghệ sĩ nhân dân không có bằng cấp thì không thể là tiến sĩ. Do vậy đề xuất ra ý tưởng này hiểu sai về bản chất của hai thực thể. Không nên và không thể xem nghệ sĩ nhân dân tương đương với tiến sĩ. Nếu cần thì nên ban hành quy chế về bằng ‘tiến sĩ danh dự’, chứ không thể đánh đồng nghệ sĩ nhân dân là tiến sĩ được"- GS Tuấn thẳng thắn.

Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. 

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân:

Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;

Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên;

Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau:

 Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân).

Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân).

Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:

Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật;

Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước;

 Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.