Hội thảo tập trung bàn về các vấn đề như vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục và các chính sách đối với nhà giáo.

{keywords}
 

Sau liên tiếp các vụ việc tiêu cực diễn ra, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chủ đề đạo đức nhà giáo và bồi dưỡng giáo viên. 

Ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng việc đào tạo giáo viên hiện nay đang có phần “thả nổi”. “Điều này dẫn đến một điều đau khổ là người học giỏi chưa chắc đã có việc làm, người kém thì vì một lý do nào đó vào ngồi chỗ đó. Dẫn đến ngành giáo dục, thầy không giỏi và trò thế nào thì chúng ta biết rồi”.

Ông Tần dẫn chứng, ở Hàn Quốc, ở các cơ sở đào tạo giáo viên không phải là trường sư phạm, sinh viên phải học hết 2-3 năm đại học loại giỏi lúc bấy giờ mới cho học lên thành giáo viên.

Họ lọc bộ phận có năng lực nhất để trở thành giáo viên bởi họ hy vọng con em của mình được học tốt.

{keywords}
Ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

Ông Tần kiến nghị, trong Luật Giáo dục cũng cần có những điều kiện hành nghề nhà giáo, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp.

“Có một điều mà hiện luật giáo dục cũng chưa đề cập là có hay không có chứng chỉ hành nghề dạy học. Ở Nhật Bản những người được đào tạo sư phạm để trở thành giáo viên tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm. Chứng chỉ này sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm”.

Ông Tần cho rằng quyền năng của cơ quan quản lý giáo dục sẽ được thực hiện trong tất cả các cơ sở giáo dục nếu như có quy định về chứng chỉ hành nghề.

“Giờ có những giáo viên tát học sinh đến nỗi phải vào bệnh viện. Khi có chứng chỉ hành nghề thì chỉ cần rút chứng chỉ vì vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, chứ không phải cứ thực hiện hành vi xong rồi nói xin lỗi do nóng nảy hay còn thiếu kinh nghiệm. Cái này như là một luật vô hình, phi văn bản về những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo. Có như vậy thì mới chọn ra được những người có trách nhiệm với xã hội, không làm ẩu, làm theo ý mình mà bỏ qua nghề nghiệp”.

{keywords}
Bà Vũ Thị Lan, nguyên chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, hiện là Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức cơ quan Bộ GD-ĐT.

Nhiều năm làm tổ chức, theo dõi về chế độ chính sách cho giáo viên, nên bà Vũ Thị Lan, nguyên chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, hiện là Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức cơ quan Bộ GD-ĐT chia sẻ rất hiểu đời sống giáo viên.

“Trước đây những chuyện tưởng như đùa mà thật là giáo viên mầm non được trả thù lao chỉ bằng con gà,... mà họ vẫn gắn bó với nghề, hết lòng vì học sinh. Giờ đây theo sự phát triển của xã hội, đồi sống giáo viên cũng đã được cải thiện lên rất nhiều. Song làm một so sánh, trong xã hội, giáo viên vẫn là đội ngũ mà đời sống còn rất khó khăn, đặc biệt là những người ở những vùng sâu xa, biên giới, hải đảo.

Do đó tôi nghĩ phải đặt chính sách trước khi nói đến các vấn đề khác, trước khi yêu cầu những tiêu chuẩn đối với nhà giáo. Nếu chúng ta chỉ đưa ra những yêu cầu với giáo viên thôi mà không nghĩ đến chế độ, chính sách cho họ thì khó đòi hỏi được họ đáp ứng các tiêu chuẩn mà chúng ta đưa ra”.

Bà Lan cho rằng, qua xem xét dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, chưa thấy rõ các chế độ, chính sách mới đối với giáo viên so với Luật Giáo dục hiện tại.

Về chế độ đối với nhà giáo, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Quỹ tiền lương lần này được đưa vào chỉ đạo trong Nghị quyết sẽ theo hướng cấu thành bởi 3 phần. Phần thứ nhất là lương, phần thứ hai là phụ cấp (phụ cấp lần này sẽ khống chế chiếm khoảng 20-30%). Và sẽ có thêm một quỹ nữa là thưởng (chiếm 10%). Quỹ thưởng này sẽ giao cho thủ trưởng các đơn vị quyết định”.

{keywords}
Ông Nguyễn Trí, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT)

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng tiêu chí chuẩn giáo viên cần cụ thể hơn, thay vì đạt hết các bằng cấp thì coi là chuẩn.

Ông Nguyễn Trí, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD-ĐT) đi sâu góp ý thẳng vào dự thảo.

“Về đào tạo bồi dưỡng, ở điều 73 mới chỉ chú ý tới bồi dưỡng đạt chuẩn. Trong khi càng ngày thì việc bồi dưỡng đạt chuẩn sẽ càng ít đi, bởi đến một lúc khi tuyển người đạt chuẩn rồi thì cần gì bồi dưỡng đạt chuẩn. Như vậy cái cần bồi dưỡng là nâng cao trình độ, nghiệp vụ và hiện đại hóa nghề nghiệp của giáo viên so với thời điểm đó. Trong khi có hoạt động mà Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) có làm thì không đưa vào đó là bồi dưỡng thường xuyên”.

Do đó, ông Trí đề nghị thay nội dung “các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định…” bằng “Nhà giáo được nhà nước bồi dưỡng định kỳ trong suốt quá trình giảng dạy của mình”.

Về chính sách tôn vinh, khen thưởng, một đại biểu cho rằng khi tôn vinh những nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, các giáo viên ở cấp thấp hoặc ở vùng sâu vùng xa thì rất khó đạt được.

“Những giáo viên ở các vùng miền núi, hải đảo rất thiệt thòi. Vất vả, cực khổ nhưng việc đạt được các danh hiệu như nhà giáo ưu tú hay nhà giáo nhân dân là cực khó, nên chăng có thêm một danh hiệu nào đó để ghi nhận công sức và sự nỗ lực của họ trong những điều kiện rất khó khăn”, vị này đề xuất.

Thanh Hùng

Có nên quy định triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục?

Có nên quy định triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục?

-Số lượt tìm kiếm "triết lý giáo dục" bằng tiếng Việt chỉ đứng sau tiếng Anh và cao hơn nhiều so với tiếng Trung và tiếng Nga.