- Bộ Tư pháp kiến nghị bỏ quy định phỏng vấn khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và chuyển thẩm quyền cho phòng Tư pháp cấp huyện thay vì sở như hiện nay.

Đây là nội dung trọng điểm tại hội nghị trực tuyến hôm nay triển khai thi hành luật Hộ tịch được tổ chức tại Bộ Tư pháp.

Luật Hộ tịch sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016. Đây là lần đầu tiên sau hơn 60 năm có văn bản ở tầm luật để quy định riêng về lĩnh vực này, là bước ngoặt quan trọng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch để đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, một trong những điểm mới quan trọng của luật là phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, theo đó giao UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

{keywords}
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (giữa) chủ trì hội nghị

Trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị bỏ quy định phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài khi đăng ký tại UBND quận, huyện.

Giải thích nguyên do, ông Khanh cho biết nhiều địa phương phản ánh phỏng vấn còn hình thức, gây phiền hà, dễ phát sinh tiêu cực, việc giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài thường quá thời hạn so với quy định, nhiều sở Tư pháp còn "đẻ" thêm thủ tục hành chính, một số nơi yêu cầu phỏng vấn lần 2 nhưng không nêu lý do.

Do không rành về ngôn ngữ, luật pháp cũng như tập quán, phong tục của các quốc gia, vô hình trung việc phỏng vấn tạo áp lực cho chính cán bộ tham gia phỏng vấn.

Tại nhiều quốc gia cũng có quy định rất thoáng, không bắt buộc công dân của họ phải có những giấy chứng nhận này, thực tế có nhiều trường hợp phụ nữ sang du lịch rồi ở lại kết hôn luôn.

Do đó, Bộ Tư pháp đề xuất khi kết hôn với người nước ngoài, người dân chỉ cần đến UBND xã yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chứ không cần phải qua vòng phỏng vấn tại sở Tư pháp như trước.

Áp vào điều kiện thực tế, không ít địa phương dù đồng tình với quy định bỏ phỏng vấn nhưng cũng bày tỏ hàng loạt băn khoăn về tính khả thi khi chuyển toàn bộ thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho quận, huyện.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng với điều kiện năng lực của ngành tư pháp quận còn hạn chế như hiện nay, việc tăng thêm yếu tố nước ngoài vào công vụ đòi hỏi phải có sự chuyển đổi từ chuyên môn nghiệp vụ đến khả năng ngoại ngữ.

Chưa kể, từ trước tới nay việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài do cơ quan tư pháp cấp tỉnh phụ trách được hỗ trợ đồng bộ từ các cơ quan chức năng liên quan (công an, ngoại vụ, công chứng, dịch thuật, sứ quán...), khi có vấn đề phát sinh sẽ yêu cầu công an tỉnh xác minh. Nay công tác này chuyển xuống quận, huyện sẽ không tương thích với các ngành liên quan cấp trên và ngay cả các ngành ngang cấp trong quận.

Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Hà Tĩnh cũng lo ngại, khi chuyển thẩm quyền cho phòng Tư pháp, đội ngũ phiên dịch sẽ rất khó khăn. Nếu sử dụng phiên dịch của người đi đăng ký sẽ không đảm bảo khách quan.

Trước những ý kiến phản hồi, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết sẽ tiếp thu và có báo cáo cụ thể với ban soạn thảo, lãnh đạo Bộ để xem xét. Trường hợp cần thiết có thể cử chuyên viên cấp tỉnh về quận, huyện để hướng dẫn trong 3-6 tháng.

Thúy Hạnh