Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung quyết định số 157/2007 của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Ở thời điểm ban hành Quyết định 157 năm 2007, mức cho vay tối đa chỉ là 800.000 đồng mỗi tháng/học sinh, sinh viên; hiện tại là 2,5 triệu đồng (theo Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ Tài chính cho hay, đề xuất tăng mức cho học sinh, sinh viên vay tối đa lên 4 triệu đồng mỗi tháng dựa theo kiến nghị của Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mức chi phí học tập (học phí và chi phí sinh hoạt) của một học sinh, sinh viên là khoảng 6,5 đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất). Mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có Tờ trình Chính phủ số 375/TTr-BGDĐT ngày 9/4/2021 về dự thảo Nghị định quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Theo đó, dự kiến từ năm học 2022 – 2023, mức học phí sẽ được điều chỉnh tăng thêm. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất nâng mức cho vay theo hướng đáp ứng 60% mức sinh hoạt của học sinh, sinh viên tương ứng từ 4,55 đến 6,65 triệu đồng/tháng.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho biết, tại thời điểm ban hành Quyết định 157, mức cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng, đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của học sinh, sinh viên.
Tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập, tuy nhiên, đến nay, mức này chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập do tình hình lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng và dự kiến tiếp tục tăng học phí của các cơ sở đào tạo. Do đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng hiện nay khó đảm bảo cho học sinh, sinh viên học tập.
Từ đó, Bộ Tài chính thấy rằng, mức vay tối đa cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước.
Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét quyết định nâng mức cho vay tối đa lên mức 4 triệu đồng/tháng (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên).
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ GD-ĐT, qua hơn 14 năm thực hiện Quyết định 157, tổng số cho vay đến hết năm 2020 đạt 66.011 tỷ đồng. Tổng số thu nợ đạt 55.674 tỷ đồng. Số học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn là trên 3,6 triệu.
Tỷ lệ học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn từ 10% – 15% số lượng nhập trường hàng năm. Tổng số học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường, chiếm tỷ lệ 68%, mức thu nhập trung bình là 6 triệu đồng/tháng.
Nếu dự thảo được thông qua, đây sẽ là lần thứ 9, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên khó khăn.
Thanh Hùng
Chủ tịch Thanh Hóa yêu cầu xử lý vụ cho 300 sinh viên đi thực tập giữa mùa dịch
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở LĐ-TBXH làm rõ, kiểm điểm tập thể, cá nhân Ban Giám hiệu Trường CĐ nghề Nghi Sơn vì tổ chức cho hơn 300 sinh viên đi thực tập giữa mùa dịch.