Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng nông nghiệp thông minh, tiến tới nông nghiệp số là điều cần thiết. Trước những áp lực mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và hội nhập quốc tế, nhận thức rõ điều này, Thành phố xác định cần đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ, thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng ổn định nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung trước vào rau, hoa - cây kiểng...

Phát triển nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của Thành phố trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số. Một trong những nội dung quan trọng của nông nghiệp số là tập trung trước vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm có tiềm năng của Thành phố như: rau, hoa - cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ, cá cảnh.

Sở NN&PTNT đã đề xuất nhiều giải pháp trên cơ sở nhu cầu thực hiện Chuyển đổi số. Một là đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin do Thành phố quản lý về nông nghiệp; tập trung xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin về nông nghiệp số, thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và dưới mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp thông qua nền tảng kỹ thuật số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ và theo chuỗi cung ứng, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm. Tất cả các dữ liệu này phải đảm bảo theo đúng Kiến trúc Chính quyền điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kiến trúc Chính quyền điện tử của Thành phố để dễ dàng liên thông, chia sẻ vào dữ liệu dùng chung.

Hai là xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn. Sản xuất nông nghiệp Thành phố được phân loại theo các vùng sinh thái; các loại cây trồng, vật nuôi; quy mô sản xuất, vì vậy cần phải lựa chọn công nghệ ưu tiên phù hợp với từng vùng sản xuất theo các giai đoạn. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhóm chuyên gia công nghệ am hiểu đặc điểm, nhu cầu của từng loại nông sản, từng loại hình canh tác, từng loại giống... để ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tối đa.

Ba là khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ. Các cơ quan nhà nước cần tham mưu cho Thành phố ban hành chương trình hỗ trợ tín dụng cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ triển khai các công nghệ số mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp để nông dân quy mô nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng.

Bốn là tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng và kết nối thông tin; theo đó ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với ngành thông tin – truyền thông để đề xuất Thành phố huy động mọi nguồn lực để phát triển mạng lưới công nghệ số, công nghệ thông tin, an ninh năng lượng, an toàn thông tin, bảo mật.

Năm là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực cho nông dân; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo hoặc các chương trình khuyến nông về tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng mô hình điểm về ứng dụng công nghệ số và tập huấn trực tiếp cho nông dân; thiết lập hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số; tạo điều kiện cho những sáng kiến, đổi mới của nông dân và doanh nhân nông nghiệp.

Sáu là đổi mới nghiên cứu, giáo dục và đào tạo nghề; khuyến khích đầu tư thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ (đặc biệt là các viện, trường đại học trong và ngoài nước); đưa các công nghệ mới cần thiết cho nông nghiệp vào chương trình giảng dạy dài hạn với phương pháp đào tạo được đổi mới, đẩy mạnh thực hành và các kỹ năng thực tiễn thời đại công nghệ 4.0.