Sáng 4/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp”.
Những bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết thời gian qua, khối doanh nghiệp trung ương có 30 tổ chức Đảng bị kỷ luật do vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, vi phạm chính sách, pháp luật của nhà nước...
Ngoài ra, các cơ quan đã kỷ luật 1.872 đảng viên, trong đó có 440 cấp ủy viên, 216 trường hợp bị khai trừ, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hội thảo sáng 4/12 |
Theo ông Long, quá trình xem xét, điều tra, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế từng xảy ra trong giai đoạn trước tại Vietinbank, Agribank, BIDV, Vinashin, Vinaline, Mobifone, PVN... đã làm rõ những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để lũng đoạn tổ chức, bộ máy; trục lợi cá nhân, tham nhũng.
"Quá trình xử lý để lại những bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN nói chung và trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm, quản lý, giám sát cán bộ trong DNNN nói riêng, nhất là những đảng viên được giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Tình trạng tha hóa quyền lực biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc nối, ăn chia lợi ích bất chấp các quy định của pháp luật. Thêm vào đó là sự thiếu gương mẫu của bộ phận cán bộ cấp cao trong công ty mẹ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khi phần lớn công ty con đều sai phạm.
Ông Long nhấn mạnh, không thể không thấy những yếu kém đến từ yếu tố con người. Trong đó phải kể đến, quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý DNNN chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của DN trong cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, còn nặng về quy trình tuyển chọn hành chính...
Giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ
Vì vậy, theo ông Long, trong thời gian tới, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của cấp ủy đi với công tác cán bộ trong DNNN là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn.
Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, khẩn trương nghiên cứu, từng bước thực hiện thí điểm chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong DNNN. Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình.
Đồng thời, giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; xây dựng quy định chế tài xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp |
Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục nghiên cứu, thí điểm triển khai cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DNNN.
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thực hiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, ban điều hành. Đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng với trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Bên cạnh tiêu chuẩn chung, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về lựa chọn người có năng lực, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn đào tạo, kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị và đạo đức...
Phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành DNNN cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh, có hội đồng đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn những người điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành doanh nghiệp trong nhiệm kỳ ba năm.
Ngoài ra, phải có giám sát và có cơ chế thưởng phạt hằng năm bằng chế độ lương, thưởng, kỷ luật, sa thải; chế độ luân chuyển, đổi mới người đại diện trong từng doanh nghiệp theo nguyên tắc không được làm đại diện phần vốn nhà nước trong một doanh nghiệp quá hai nhiệm kỷ...
Ông Long cũng đề nghị đánh giá quy định "không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp". Bởi quy định này sẽ hạn chế đối tượng đăng ký dự tuyển khi thực hiện triển khai cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thật sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chỉ phối về lợi ích của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và ban điều hành doanh nghiệp.
Song song đó, cần thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, rủi ro, xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực, tham nhũng.
Thu Hằng
Đề xuất bỏ quy hoạch và bổ nhiệm lãnh đạo DNNN theo cơ chế hành chính
TS Nguyễn Đình Cung đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.