Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa có báo cáo Thủ tướng về tình hình doanh nghiệp du lịch trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4 và đề xuất giải pháp mở cửa du lịch dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

Theo đó, Ban IV đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp đồng thời để từng bước tạo lập kế hoạch khả thi cho việc mở cửa, phục hồi ngành du lịch thời gian tới.

Cụ thể, Ban IV đề xuất Thủ tướng xem xét giải pháp “thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 dành riêng cho các doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch”, vì trong hơn một năm rưỡi bị đóng băng hoạt động do dịch vừa qua, bài toán dòng tiền là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực này.

{keywords}
Du khách nước ngoài tham quan Hội An 

Theo Ban IV, mặc dù tín hiệu thị trường ngành du lịch có thể xuất hiện ngay khi Chính phủ cùng chính quyền các địa phương và người dân nỗ lực thiết lập bối cảnh “bình thường mới” nhưng với nguồn lực quá mỏng hiện tại, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch cũng sẽ rất khó khăn để phục hồi, bứt phá nếu không có thêm trợ lực kịp thời của Chính phủ.

Hỗ trợ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp du lịch

Đề xuất nữa được Ban IV đưa ra là các biện pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch gắn với quá trình và mức độ phục hồi. Cụ thể là tập trung vào giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động; giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…; hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian cho phép từ 12 - 18 tháng hoặc dài hơn; hoãn đóng và giảm tỉ lệ đóng BHXH đặc biệt trong những giai đoạn cần thu hút trở lại và ổn định nguồn lao động cho ngành; giảm tiền thuê đất của nhà nước...

Riêng về bài toán người lao động, thời gian tới đây các doanh nghiệp vừa phải tập trung tuyển dụng lại, vừa phải nỗ lực đào tạo lại hoặc đào tạo mới các kiến thức, kĩ năng, kỷ luật cần thiết cho việc vận hành các mô hình, sản phẩm du lịch phù hợp bối cảnh đại dịch.

{keywords}
Đề xuất Thủ tướng đối thoại về lộ trình mở cửa du lịch nội địa và quốc tế
{keywords}
Thực trạng ngành du lịch hiện nay, theo khảo sát của Ban IV

Vì vậy, Ban IV đề xuất Thủ tướng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ ngành du lịch theo hướng bỏ các yêu cầu, giấy tờ chứng minh mức độ thiệt hại hoặc mức độ cắt giảm lao động của doanh nghiệp, hoặc giấy tờ chứng minh “không đủ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng lao động” vì toàn ngành du lịch đã và đang là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Đồng thời, xem xét hỗ trợ trực tiếp tiền đào tạo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động quyết định, thực hiện các phương thức đào tạo phù hợp, thay vì chỉ áp dụng cách thức hỗ trợ qua các trường, trung tâm đào tạo nghề hoặc các đơn vị có chức năng đào tạo khác.

Về bài toán mở cửa du lịch và du lịch quốc tế an toàn, theo Ban IV, điều hết sức quan trọng là có một kế hoạch khả thi nhưng linh hoạt và rõ ràng về phương pháp cũng như rõ quy trình, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan để tạo sự phối hợp nhịp nhàng, hạn chế tối đa các mặt rủi ro.

Vì thế, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trì thảo luận, đối thoại, bàn thảo quanh chiến lược, lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam (cả nội địa và quốc tế); căn cứ vào đó, xác lập và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa phương liên quan, hiệu triệu và giao vai trò cho cả khu vực doanh nghiệp để tiến trình mở cửa diễn ra khả thi, an toàn, hiệu quả.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước thành công khi mới áp dụng mô hình mở cửa du lịch, đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới” đều là những nước đang đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, nhưng Chính phủ các nước này vẫn tiếp tục duy trì mở cửa vì đó là một xu hướng tất yếu sau khủng hoảng và vì một số lý do cụ thể.
Đó là tuy số ca nhiễm tăng cao nhưng độ phủ vắc xin cũng cao, tốc độ tiêm chủng nhanh khiến số ca tử vong lại giảm (ví dụ như Anh, Singapore). Ngoài ra, phần lớn nhóm người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch và những nhóm người nguy cơ cao trong xã hội hoặc tại các điểm đến du lịch trọng điểm đã được tiêm chủng. Du lịch là ngành đóng góp vào GDP cao mà phần lớn đóng góp đó lại được giữ lại trong nước, là nền tảng cho đầu tư, thương mại.

Thu Hằng

Mở lại du lịch quốc tế khẩn trương, khoa học, an toàn

Mở lại du lịch quốc tế khẩn trương, khoa học, an toàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn.