Với những hành lang pháp lý mới, tới đây trong các trường đại học, các hội đồng trường (HĐT) sẽ hiện diện thực chất hơn. Vì vậy, những vấn đề sát sườn của thiết chế này được nhiều lãnh đạo trường quan tâm.

Tại hội nghị trực tuyến của Bộ GD-ĐT về việc triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99), nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề này.

{keywords}

Đến 15/8/2020 các cơ sở giáo dục ĐH phải thành lập xong hội đồng trường (Ảnh minh họa)

Vừa lập xong hội đồng, có phải làm lại?

PGS.TS Nguyễn Tiến Công, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra băn khoăn về nhiệm kỳ của HĐT. Hiện nay, nhà trường đã thành lập hội đồng theo đúng quy định của Luật số 34 là 5 năm (2018 – 2023) và được ký vào tháng 12/2019.

PGS đặt vấn đề: “Nhiệm kỳ HĐT được tính theo ngày tháng nào, có tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng không; những HĐT đã được thành lập trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực sẽ được giải quyết ra sao?”

Đây cũng là thắc mắc chung của PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn. Theo đó, Trường ĐH Quy Nhơn cũng đã thành lập hội đồng trước khi Nghị định 99 có hiệu lực. Như vậy, sẽ cần phải triển khai, thực hiện ra sao?

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, các nội dung này đã được quy định rất chi tiết trong Luật số 34 và trong Nghị định 99.

Theo đó, nhiệm kỳ của HĐT được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Luật quy định nhiệm kỳ là 5 năm và nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của HĐT.

Luật số 34 không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng là bao nhiêu năm, HĐT sẽ quyết định nhiệm kỳ của hiệu trưởng trong thời hạn nhiệm kỳ của hội đồng.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) 

Chủ tịch HĐT Trường ĐH Cần Thơ, GS.TS Nguyễn Thanh Phương nêu ra tình huống, đối với hội đồng có nhiệm kỳ còn dài nhưng không đủ điều kiện quy định phải xử lý thế nào? Các trường có được thực hiện tiếp không hay bắt buộc phải làm lại ngay?

Bà Phụng thông tin, nếu như HĐT chưa được thực hiện đúng quy định của Luật số 34, tức là cơ cấu thành phần chưa đúng thì khi Nghị định này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập mới.

Nghị định 99 quy định tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực là 15/2/2020, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy, đến 15/8/2020, việc thành lập hội đồng trường tại các cơ sở phải hoàn tất.

“Nửa đầu của năm sau sẽ là Đại hội Đảng ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng là điều kiện để chúng ta khớp nối giữa các quy định của Đảng và với quy định của Nghị định này. Khi thành lập hội đồng trường sẽ là một hội đồng mới, nhiệm kỳ mới, thực hiện tất cả các chức năng, nhiệm vụ mà Luật quy định”, bà Phụng nhấn mạnh.

Trường muốn chủ động tổ chức, cơ quan chủ quản "tuýt còi"

GS. Nguyễn Quang Kim, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủy lợi nêu băn khoăn, khi thực hiện theo các hành lang pháp lý này, các trường ĐH thuộc Bộ GD-ĐT sẽ rất thuận lợi. Nhưng với các trường ĐH trực thuộc các bộ, ngành, địa phương khác, có nhiều văn bản quy định rất khó cho việc thực hiện tự chủ, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ.

GS Kim lấy ví dụ như trường của ông có cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên Bộ này mới đây đã ban hành lại quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và trong đó không đề cập gì đến quy trình theo như Luật 34 đã nêu. Cho nên, đây là một điều rất khó cho các trường thực hiện.

Hay về tổ chức bộ máy, trong luật đã quy định về phân cấp trong nhà trường, nhưng các trường cũng rất khó thực hiện. Các khoa của Trường ĐH Thủy lợi nhỏ, muốn sáp nhập nhưng có khi Vụ Tổ chức cán bộ lại “thổi còi”.

Do đó, GS. Kim mong Bộ GD-ĐT nên có văn bản hướng dẫn mẫu các quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chi tiết hơn để các Bộ, ngành khác thực hiện theo, giúp các trường không bị vướng.

Trước mong muốn này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, đây là hiện tượng khá phổ biến. Vì vậy, trong các phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ GD-ĐT đã nêu và tới đây sẽ tiếp tục ý kiến về việc các Bộ, ngành, địa phương chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện theo tinh thần của Luật giáo dục đại học 34 để đảm bảo đồng bộ, thống nhất các trường trên toàn quốc. 

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các nhà trường cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là hội đồng trường, từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, cần tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.

Thúy Nga

Hiệu trưởng Bách khoa lo lắng "dễ mất uy tín chương trình kỹ sư"

Hiệu trưởng Bách khoa lo lắng "dễ mất uy tín chương trình kỹ sư"

Việc quy định bằng cấp theo khung năng lực quốc gia là cơ hội để hội nhập quốc tế.