Ngày 10/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1319/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tầm nhìn chiến lược phát triển đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%...
Mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển...
Quy hoạch cũng xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế; về xã hội; về tài nguyên và môi trường; về phát triển kết cấu hạ tầng… Phương hướng phát triển các ngành du lịch chất lượng cao được đánh giá là một trong phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, phát triển tập trung vào các khu vực dọc theo dải ven biển làm động lực với các lợi thế tiềm năng hiện có như vịnh, bãi tắm. Bên cạnh đó, ưu tiên chú trọng các khu vực đặc thù khác như: các cồn cát, khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt…
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, theo 04 vùng lãnh thổ, 03 vùng động lực, 03 hành lang phát triển. Trong các hành lang kinh tế, hành lang phát triển ven biển bám dọc theo tuyến đường ven biển (TL701, 702) từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ, là khu vực có mật độ thấp, phát triển du lịch là chủ đạo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn quốc gia Núi Chúa, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt gắn với 06 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và các khu đô thị du lịch, khu chức năng ven biển được cụ thể hóa trong quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 có phát triển 06 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang-Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch (được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Ninh Chữ). Định hướng phát triển và tổ chức không gian các khu đô thị du lịch và các khu chức năng phù hợp với định hướng phát triển của các đô thị ven biển.
Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn ở vùng ven biển là phát triển các khu dân cư nông thôn gắn với khai thác lợi thế phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch, du lịch trải nghiệm, phát triển nghề cá, trung tâm dịch vụ nghề cá, các vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ xuất khẩu với quy mô lớn, đặc biệt là nuôi tôm sú.
Về phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển khu du lịch sẽ tập trung phát triển các khu vực có ưu thế về du lịch biển (vịnh, bãi tắm), hồ, cồn cát và khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt, trong đó chú trọng phát triển Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, thuộc khu vực dải không gian ven biển tỉnh Ninh Thuận, thuộc địa giới hành chính của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam; phát triển trọng tâm là các hoạt động kinh tế du lịch khai thác các giá trị kinh tế biển, các giá trị sinh thái cảnh quan đa dạng, có tính đặc thù cao góp phần tạo dựng môi trường biển độc đáo…